Trường Chính trị tỉnh Gia Lai: Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ tại Trường Chính trị tỉnh đã từng bước đổi mới và đạt những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Những kết quả nổi bật
Trong nhiệm kỳ qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐT-BD) tại Trường Chính trị tỉnh đã được chú ý đổi mới ở nhiều khâu, trong đó giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn là khâu được chú trọng, qua đó chất lượng ĐT-BD được nâng lên, thể hiện trên nhiều mặt.
5 năm qua, nhà trường đã tổ chức quản lý, giảng dạy 378 lớp học, với tổng số 23.294 lượt học viên (tăng 115 lớp, với 9.698 lượt học viên so với nhiệm kỳ 2010-2015). Trong đó, đã đào tạo 107 lớp Trung cấp lý luận chính trị-hành chính với tổng số 6.504 học viên; bồi dưỡng 253 lớp với 15.540 lượt học viên; liên kết ĐT-BD 18 lớp với 1.550 học viên. Kết quả trên đã góp phần thực hiện mục tiêu chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chức danh, kỹ năng và đạo đức công vụ gắn với quá trình hội nhập cho đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị địa phương.
Đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ qua cho thấy trình độ, kiến thức, những kỹ năng cho công việc của đội ngũ cán bộ tỉnh nhà có nhiều chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng động và sáng tạo; tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao. Biểu hiện sinh động nhất chính là sau ĐT-BD khi trở về địa phương, cơ quan công tác, các cán bộ đã đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, bước đầu đáp ứng chuẩn hóa so với tiêu chuẩn.
Với trình độ, năng lực ngày càng đáp ứng với yêu cầu công việc đội ngũ cán bộ các cấp đã có đóng góp to lớn vào công việc tham mưu, góp ý, thẩm định, ban hành chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Cùng với đó, kết quả ĐT-BD nhiệm kỳ qua cũng đã góp phần vào thực hiện các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm đẩy lùi, khắc phục tình trạng hạn chế về nhận thức lý luận chính trị, mơ hồ, hoài nghi và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, củng cố và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, hình thành thái độ, niềm tin, thay đổi cách thức làm việc, suy nghĩ và ứng xử trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có khả năng đấu tranh phủ nhận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng và chính quyền.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Thời gian tới, để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, công tác ĐT-BD của Trường Chính trị tỉnh cần tiếp tục khắc phục mặt tồn tại đồng thời thay đổi tư duy về ĐT-BD. Để đạt mục tiêu trên nhà trường đổi mới theo định hướng sau:
Trước hết, phối hợp cùng các cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) xây dựng kế hoạch khảo sát và đánh giá đúng nhu cầu các mặt kiến thức, kỹ năng mà CB, CC, VC đang yếu và thiếu. Điều này gắn với khung năng lực cụ thể hiện nay của CB, CC, VC theo vị trí việc làm. Việc khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu các mặt kiến thức còn là cơ sở để chính quyền, cơ quan, đơn vị địa phương chủ động trong chính sách, xây dựng bản tiêu chuẩn riêng đối với các nhóm CB, CC, VC của địa phương. Gắn việc này với quá trình sử dụng lâu dài.
Gắn với yêu cầu này, khắc phục những hạn chế trước đây về các loại hình đào tạo như nhau trong khi vị trí công việc khác nhau, gần đây, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC nêu rõ nguyên tắc ĐT-BD là “phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý CB, CC, VC, phù hợp với kế hoạch ĐT-BD và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị”.
Cơ quan quản lý, cơ sở ĐT-BD phối hợp tốt trong khâu phân loại trình độ để ĐT-BD. Cách làm này còn tăng hiệu quả giữa đào tạo-sử dụng nhằm khắc phục nhiều CB, CC, VC đã ở vị trí, chức danh rồi nhưng vẫn chưa qua bồi dưỡng. Ví dụ, chương trình ngạch chuyên viên, bồi dưỡng chức danh công chức cấp xã, chủ tịch… Gắn công tác ĐT-BD của Trường Chính trị với các cơ quan quản lý, sử dụng CB, CC, VC còn khắc phục tình trạng CB, CC, VC tham gia ĐT-BD của một số cơ sở liên kết về địa phương đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng ĐT-BD. Tình trạng đông về số lượng, chưa hợp lý trong phân loại trình độ, tiêu chuẩn người học do đó khó trong tổ chức giảng dạy, quản lý, gây kém hiệu quả.
Tiếp đến là tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới. Chú trọng ĐT-BD gắn với đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí việc làm của từng nhóm CB,CC,VC kết hợp với đa dạng hóa các hình thức ĐT-BD.
Việc tổ chức ĐT-BD cần hướng vào việc đáp ứng yêu cầu vị trí công việc, qua đó nâng cao chất lượng làm việc, đạo đức chuẩn mực nghề nghiệp. Do đó việc ĐT-BD cần đảm bảo sát với yêu cầu công việc. Ví dụ như quy định bồi dưỡng cho CB, CC, VC cần bắt đầu với các hình thức: bồi dưỡng tập sự; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 1 tuần/năm; 1 tuần được tính bằng 5 ngày học, 1 ngày học 8 tiết).
Bên cạnh đó, nội dung bồi dưỡng cần tổ chức đa dạng, thiết thực, có thể tổ chức đa dạng các hình thức ĐT-BD nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của CB, CC, VC.
Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp ĐT-BD theo hướng trang bị tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ gắn liền với rèn luyện tư tưởng, chính trị, đạo đức cách mạng, tinh thần đấu tranh, phản bác và loại bỏ các thông tin sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ chính trị.
Việc tổ chức ĐT-BD cần hướng tới hình thành tư duy khoa học, cách thức làm việc, củng cố niềm tin, tránh giáo điều, xa thực tế trong việc cập nhật và trang bị kiến thức lý luận chính trị. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đưa ra một hệ thống các nhóm giải pháp, trong đó có một số giải pháp mới, mạnh mẽ, như tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bắt buộc hàng năm mỗi cán bộ, đảng viên phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học.
Cụ thể hóa khung chương trình ĐT-BD cho thật sự phù hợp, thiết thực với các nhóm CB, CC, VC; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy đồng thời tổ chức tốt hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn địa phương. Việc cụ thể hóa kiến thức của các khung chương trình cần đảm bảo theo hướng cụ thể hóa các vấn đề thực tiễn tại địa phương chưa được tổng kết hết qua giáo trình, làm cơ sở đổi mới quá trình đào tạo, bồi dưỡng theo sát đặc trưng địa phương và kỹ năng công vụ của các nhóm CB, CC, VC.
Bên cạnh cần đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp. Trong công tác ĐT-BD đối tượng học viên luôn đa dạng và phong phú. Việc ĐT-BD cũng là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của CB, CC, VC, do đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải có tiêu chuẩn rõ ràng các mặt về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức như: trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức lối sống lành mạnh; đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn; có trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ĐT-BD trong tình hình mới.
Tiến sĩ NGUYỄN THÁI BÌNH
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh