Trường Chính trị tỉnh: Không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy

Trường Chính trị tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Phú Yên. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh về lý luận chính trị - hành chính.

Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: MINH CHÂU

Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: MINH CHÂU

Coi trọng chất lượng giảng dạy

Học viên cần nhận thức rõ mục đích của học tập lý luận chính trị - hành chính không phải là nhằm đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm, lấy cơ hội để thăng chức mà chính là hoàn thiện bản thân, tăng cường bản lĩnh chính trị, nâng cao hiệu quả làm việc. Từ đó giúp học viên có động cơ học tập đúng đắn.

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, nhà trường đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Nhà trường đã trang bị lý luận chính trị cho cán bộ tổ chức phong trào cách mạng Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn mới.

Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh Phú Yên, năm 1989 đến nay, trường đã đào tạo, bồi dưỡng được hơn 1.500 lớp; trong đó có 46.600 học viên của hơn 500 lớp cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính, đại học hành chính và 1.000 lớp đào tạo, bồi dưỡng khác.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đặc biệt coi trọng chất lượng giảng dạy và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, hàng đầu. Chất lượng giảng dạy được đánh giá thông qua chất lượng sản phẩm đào tạo. Chất lượng đào tạo không chỉ là điểm số học viên đạt được trong khóa học, mà còn là sự vận dụng và hình thành các kỹ năng để phục vụ công tác của mỗi người ở cơ quan đơn vị sau khi kết thúc khóa học.

Đội ngũ giảng viên của trường tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý luận với thực tiễn nhằm cụ thể hóa các yếu tố trừu tượng, sinh động hóa sự khô khan và thực tiễn hóa tính kinh viện trong học tập lý luận của học viên. Những kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, đồng thời đóng góp vào việc nâng cao chất lượng và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Phát triển năng lực của học viên

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảng dạy của trường vẫn còn những hạn chế trong luận giải một số vấn đề lý luận, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn; đội ngũ giảng viên còn mỏng so với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh; ý thức học tập của một bộ phận học viên chưa nghiêm túc, còn có tư tưởng học để chuẩn hóa bằng cấp chứ không phải vì mục đích nâng cao nhận thức và phục vụ công tác sau này. Chính những hạn chế này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Đứng trước yêu cầu chung về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng khóa XI; nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Trường Chính trị tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy. Sau đây là những giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường được chúng tôi đề xuất, trên cơ sở nghiên cứu năng lực đào tạo hiện có của trường và thực tiễn từ nhiều năm tham gia công tác giảng dạy.

Thứ nhất, lãnh đạo nhà trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết và đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên thông qua hội thảo, tập huấn; duy trì và nâng cao hiệu quả các hoạt động dự giờ, báo cáo bài giảng.

Thứ hai, giảng viên của trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của học viên, đặc biệt là năng lực vận dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn. Khắc phục hạn chế phương pháp dạy học truyền thống nặng về thuyết trình, ghi chép; phát huy hơn nữa hiệu quả của những giờ thảo luận, gắn luận giải các vấn đề lý luận trong chương trình học tập với giải quyết các vấn đề thực tiễn đang xảy ra trong xã hội nhằm tăng cường tính tự giác, chủ động, sáng tạo của học viên trong học tập và vận dụng kiến thức về lý luận chính trị.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của học viên về học tập lý luận chính trị - hành chính. Học viên cần nhận thức rõ mục đích của học tập lý luận chính trị - hành chính không phải là nhằm đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm, lấy cơ hội để thăng chức mà chính là hoàn thiện bản thân, tăng cường bản lĩnh chính trị, nâng cao hiệu quả làm việc. Từ đó giúp học viên có động cơ học tập đúng đắn. Nhà trường, giảng viên cần định hướng để học viên nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu thực tế, vận dụng kiến thức đã học vào công việc của mình.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên, chất lượng giảng dạy của trường sẽ tiếp tục được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của GD-ĐT nói chung và đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Phú Yên nói riêng trong tình hình mới.

ThS TRẦN VĂN HIỆU

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/231618/truong-chinh-tri-tinh--khong-ngung-nang-cao-chat-luong-giang-day.html