Trường chuyên nên là 1 lựa chọn cho người học thay vì mô hình hưởng nhiều ưu đãi

Trường chuyên nên là một lựa chọn cho người học, thay vì là một mô hình đặc thù được hưởng các chính sách ưu đãi về ngân sách đầu tư, cơ sở vật chất, giáo viên.

.t1 { text-align: justify; }

Mô hình trường trung học phổ thông chuyên, vốn được xem là nơi ươm mầm nhân tài, nơi quy tụ những học sinh xuất sắc của cả nước với kỳ vọng gặt hái giải thưởng tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mô hình này đang vấp phải nhiều tranh luận trái chiều về tính hiệu quả, định hướng phát triển và sự phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.

Mô hình giáo dục nặng về luyện thi đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: “Ở nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến không áp dụng mô hình trường chuyên ở bậc phổ thông. Thay vào đó, họ coi đây là giai đoạn phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và năng lực cá nhân, giúp học sinh khám phá sở trường và định hướng nghề nghiệp.

Việc phân tầng và phát hiện nhân tài chủ yếu được thực hiện ở bậc đại học, nơi người học đã đủ trưởng thành để lựa chọn và theo đuổi các lĩnh vực chuyên sâu. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, mục tiêu của giáo dục phổ thông đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học thì cách tiếp cận thiên lệch về thành tích học thuật của mô hình trường chuyên ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập.

Việc duy trì một môi trường giáo dục theo hướng nặng về luyện thi và thành tích đang dần trở nên không còn phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục hiện đại”.

 Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: Phạm Minh

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: Phạm Minh

Có một thực tế đáng lưu tâm là ngân sách đầu tư cho trường chuyên thường cao gấp nhiều lần so với trường phổ thông bình thường. Tuy nhiên, mục tiêu đầu tư hiện vẫn chủ yếu xoay quanh việc luyện thi học sinh giỏi, giành giải thưởng quốc gia và quốc tế.

Hiện nay, thành tích từ các cuộc thi của học sinh trường chuyên thường được dùng như minh chứng cho sự thành công của giáo dục. Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: “Thành tích và giải thưởng của học sinh không nên được xem là thước đo duy nhất để đánh giá hiệu quả giáo dục của trường chuyên.

Nếu chỉ nhìn vào số lượng huy chương, giải quốc gia hay quốc tế mà bỏ qua quá trình phát triển toàn diện của học sinh và khả năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, thì đó là một cái nhìn phiến diện, ngắn hạn và dễ dẫn đến nhận định sai lệch về giá trị cốt lõi của mô hình giáo dục này.

Sức mạnh thật sự của giáo dục không nằm ở vài cá nhân đoạt giải mà ở chất lượng toàn diện của nguồn nhân lực quốc gia. Mô hình trường chuyên có thể vẫn cần thiết, nhưng chỉ khi nó được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.

Không thể tiếp tục đầu tư dựa trên niềm tin vào một “đội ngũ tinh hoa tương lai” nếu không có cơ chế đo lường, đánh giá hiệu quả rõ ràng. Trường chuyên nếu không được thay đổi, sẽ khó có thể khẳng định vai trò rõ ràng trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia”.

 Mô hình trường chuyên cần được thay đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Ảnh minh họa: LT

Mô hình trường chuyên cần được thay đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Ảnh minh họa: LT

Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên đánh giá, trong nhiều thập kỷ qua, mô hình trường trung học phổ thông chuyên đã thực hiện sứ mệnh của mình là cung cấp một môi trường học tập thử thách về học thuật dành cho học sinh có năng lực vượt trội, thường chiếm khoảng 2-5% học sinh giỏi của mỗi địa phương.

Và trong mức độ nhất định, trường chuyên đã thành công đáng kể trong việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng những học sinh có tiềm năng nổi trội về trí tuệ, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia, đặc biệt trong một số lĩnh vực mũi nhọn.

Tuy nhiên, cũng có những khía cạnh của trường chuyên bộc lộ một số hạn chế. Cách tiếp cận thiên lệch về học thuật khiến nhiều trường chuyên tập trung gần như tuyệt đối vào môn chuyên, trong khi mục tiêu giáo dục toàn diện đang trở thành nguyên tắc cốt lõi của giáo dục hiện đại.

Thay vì chú trọng phát triển tư duy độc lập, khả năng sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tiễn, nhiều trường chuyên lại hướng đến việc rèn luyện học sinh để đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, đôi khi đánh đổi cả sự phát triển cân bằng về thể chất, tâm lý và kỹ năng xã hội của người học.

Cùng với đó, nhiều trường chuyên còn mở rộng tuyển sinh hệ không chuyên nhằm tận dụng cơ sở vật chất, giảng viên và gia tăng nguồn thu, từ đó làm dấy lên lo ngại về việc thương mại hóa trường chuyên và làm mờ nhạt bản sắc học thuật, vốn là lý do chính cho sự ra đời của mô hình giáo dục này.

Mặt khác, trường trung học phổ thông chuyên hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc xác định mục tiêu phát triển: tiếp tục tập trung vào bồi dưỡng nhân tài, trở thành nơi luyện thi đại học theo các môn chuyên, hay hướng tới mô hình trường chất lượng cao toàn diện.

Những định hướng này vẫn còn khá mơ hồ, thiếu thống nhất, khiến nhiều trường lúng túng trong việc xây dựng chiến lược dài hạn. Vì vậy, từng trường cần chủ động rà soát, xác định rõ con đường phát triển phù hợp với bối cảnh mới trong những năm tới.

Mô hình trường chuyên cần đổi mới hay tinh gọn trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành hiện nay?

Ở Việt Nam hiện nay, mỗi tỉnh thành có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên. Điều này giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao, nhưng cũng dẫn đến tình trạng dàn trải nguồn lực, trong khi cơ chế đánh giá chất lượng và hiệu quả chưa thật sự rõ ràng giữa các trường.

Một đề xuất đáng chú ý là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sáp nhập tỉnh thành, có thể cân nhắc tinh gọn lại thành ba trường chuyên trọng điểm quốc gia, đặt tại ba miền Bắc – Trung – Nam, do các đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế quản lý. Mô hình này giúp tập trung nguồn lực, đảm bảo chất lượng đào tạo cao và gắn kết giữa đào tạo phổ thông và đại học.

Bày tỏ quan điểm về nội dung này, chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: Việc tinh gọn, sáp nhập và xác định số lượng trường trung học phổ thông chuyên cần có trên cả nước cần được dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu sâu với những số liệu cụ thể về số tiền đã đầu tư cho trường chuyên và hiệu quả nhận lại có tương xứng hay không.

Cô Quyên chia sẻ thêm, nếu tiếp tục duy trì mô hình trường trung học phổ thông chuyên, việc thay đổi sâu rộng là điều bắt buộc để đạt hiệu quả tốt hơn. Trước hết, cần định hướng lại mục tiêu phát triển, trường chuyên không nên chỉ tập trung đào tạo học sinh giỏi về mặt học thuật mà phải trở thành môi trường nuôi dưỡng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, phẩm chất công dân và tinh thần trách nhiệm với xã hội cho người học.

Thứ hai, cách đánh giá học sinh cũng cần được đổi mới, thay vì chỉ dựa vào thành tích thi cử, nên kết hợp đánh giá thông qua khả năng giải quyết vấn đề và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh và đào tạo cũng cần được cải tiến mạnh mẽ. Việc tuyển sinh nên được thực hiện theo hướng kết hợp đa dạng giữa hồ sơ học tập, phỏng vấn và bài kiểm tra tư duy tổng hợp, thay vì chỉ dựa vào các kỳ thi học thuật truyền thống.

Trong quá trình đào tạo, cần đảm bảo học sinh được tiếp cận đầy đủ các môn học cơ bản, hạn chế tình trạng học lệch, học tủ, đồng thời tăng cường các hoạt động rèn luyện kỹ năng và bồi dưỡng phẩm chất cá nhân, giúp học sinh phát triển toàn diện thay vì chỉ thiên về kiến thức chuyên môn.

Trong khi đó, theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, mặc dù mô hình trường chuyên hiện nay đang vấp phải nhiều tranh luận nhưng vẫn có không ít trường duy trì hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện. Những trường chuyên này không chỉ đào tạo học sinh giỏi về mặt học thuật mà còn cân bằng giữa học thuật, thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống, hoạt động xã hội.

Khi hệ thống giáo dục phát triển, nhu cầu của người học trở nên phong phú và đa dạng hơn. Vì vậy, một hệ sinh thái giáo dục hiện đại không thể chỉ dựa vào các trường phổ thông đại trà, mà cần có sự hiện diện của nhiều mô hình khác nhau như: trường chuyên, trường có yếu tố quốc tế, trường giáo dục đặc biệt, hay trường dạy chương trình song ngữ... Mỗi mô hình đáp ứng một nhóm học sinh nhất định, góp phần tạo ra sự linh hoạt và công bằng trong lựa chọn giáo dục.

 Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng nhấn mạnh rằng: “Trường chuyên vốn được xây dựng như một mô hình giáo dục có định hướng chuyên sâu, nhằm phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng lực nổi trội ở một số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trường chuyên phải trở thành một mô hình "VIP" trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Nên để mô hình chuyên, hệ chuyên, trường chuyên là một lựa chọn cho người học, thay vì là một mô hình đặc thù được hưởng các chính sách ưu đãi về ngân sách đầu tư, cơ sở vật chất hay đội ngũ giáo viên.

Một nền giáo dục công bằng và phát triển bền vững là nền giáo dục mở ra nhiều cánh cửa khác nhau, giúp mỗi học sinh phát huy được tiềm năng theo cách riêng của mình”.

Bảo Hân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-chuyen-nen-la-1-lua-chon-cho-nguoi-hoc-thay-vi-mo-hinh-huong-nhieu-uu-dai-post251205.gd