Trường có trách nhiệm gì giữa nghi vấn bằng của ông Vương Tấn Việt?
Chuyên gia cho rằng trong trường hợp ông Vương Tấn Việt chưa có bằng cấp 3 vẫn chưa có căn cứ để quy trách nhiệm cho trường đại học.
Tối 13/8, thông tin tới báo chí, Bộ GD&ĐT cho biết nghi vấn bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) là có căn cứ nhưng cần xác minh thêm.
Bộ cũng đang lấy ý kiến các chuyên gia phản biện độc lập để thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Việt, sau đó sẽ thành lập hội đồng để xem xét.
Nghi vấn bằng cấp của ông Vương Tấn Việt
Liên quan đến nghi vấn nếu ông Vương Tấn Việt chưa có bằng cấp 3, tại sao ông vẫn có thể học đại học và học tiếp bậc tiến sĩ, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định việc ông Vương Tấn Việt có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 (hoặc bằng tốt nghiệp cấp 3) hay không còn phụ thuộc vào quá trình xác minh, kết luận của cơ quan chức năng.
Hiện tại, Sở GD&ĐT TP.HCM mới xác nhận ông Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT thành phố. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận ông Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp ở địa phương khác.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cũng nhận định cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ và kết luận bằng tốt nghiệp bổ túc của ông Vương Tấn Việt có là bằng giả hay không.
Nếu là giả, trường hợp này có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý với những người vi phạm, đồng thời sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục thu hồi, hủy bỏ các bằng tốt nghiệp đại học và sau đại học theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để học đại học, thí sinh phải có học bạ THPT và bản chính bằng tốt nghiệp THPT. Nếu không học THPT, không tốt nghiệp THPT mà vẫn học đại học, học viên này phải làm giả cả bằng tốt nghiệp và học bạ.
Khi đó, tài liệu, con dấu giả được sử dụng sẽ không chỉ là một. Trong trường hợp bị khởi tố về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức hoặc về tội sử dụng tài liệu con dấu giả, người vi phạm có thể sẽ bị áp dụng khung tăng nặng trách nhiệm hình sự do làm ra nhiều tài liệu giả.
Trách nhiệm của các trường ra sao?
Ông Cường thông tin pháp luật không quy định các cơ sở giáo dục phải tiến hành giám định, xác minh bằng cấp, chứng chỉ của người học khi nhập học. Bởi vậy, nếu chỉ bằng mắt thường, rất khó có thể phát hiện ra bằng cấp chứng chỉ đó là thật hay giả.
"Để quy trách nhiệm cho các trường đại học về việc bỏ lọt bằng giả trong quá trình xét tuyển là không có căn cứ", ông Cường nhận định.
Trong trường hợp kết luận bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc của ông Vương Tấn Việt là bằng giả, cơ quan chức năng sẽ thông báo cho Đại học Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội. Các cơ sở giáo dục này sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để tiến hành thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học và bằng tiến sĩ đã cấp cho ông Việt trước đó.
Hai cơ sở giáo dục và đào tạo này có thể được xác định là "bị hại", có thể bị ảnh hưởng đến uy tín trong khi họ không thể biết bằng tốt nghiệp mà ông này cung cấp là bằng giả (nếu chỉ nhìn bằng mắt thường).
Trong khi đó, theo ông Khuyến, về logic, một người không tốt nghiệp (không có văn bằng) THPT thì không được học (và thi) ở bậc cao hơn (khung hệ thống giáo dục quốc gia và khung trình độ quốc gia).
Cơ sở giáo dục đại học tiếp nhận, giảng dạy những thí sinh không có bằng tốt nghiệp THPT có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ phía người học, cũng có thể từ phía các cơ sở giáo dục…
“Các yếu tố này phải được làm rõ”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khuyến, nghi vấn bằng cấp là vấn đề không mới, trước nay đều xuất hiện. Việc các cơ sở giáo dục đại học phát hiện ra bằng cấp không hợp pháp của người học là điều không hề dễ dàng bởi mắt thường khó nhận biết được.
Các cơ quan quản lý phải có phương án, cơ chế để chống bằng giả. Vấn đề này khó, nhưng không phải không có cách hay không làm được.
"Ví dụ trước đây, khi tôi còn làm Vụ phó Vụ giáo dục Đại học, để xác định trường hợp sử dụng bằng đại học giả, chúng tôi sẽ xem phôi bằng, sổ cấp phát văn bằng xem có tên trong sổ hay không", ông Khuyến chia sẻ.
Hiện tại, theo Thông tư 21/2019 của Bộ GD&ĐT về Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ (có trách nhiệm) xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học để phục vụ cho việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ.
Thông tin công bố công khai về cấp văn bằng, chứng chỉ phải đảm bảo chính xác so với sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ, phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm dễ quản lý, truy cấp, tìm kiếm và phải tuân theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang).
Theo đó, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM. Vị này cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT thành phố.
Tuy nhiên, năm 2001, ông Việt lại tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ, nay là Đại học Hà Nội và tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 – vừa học vừa làm).
Vị này cũng được Đại học Luật Hà Nội cấp bằng tiến sĩ Luật ngành Luật Hiến pháp - Hành chính vào năm 2022. Việc ông Việt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm 3 tháng đã gây xôn xao dư luận.