Trường công quá tải khiến công nhân ở Hải Phòng 'chật vật' tìm nơi gửi con

Trường công quá tải do không đáp ứng được về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên khiến nhiều công nhân phải 'chật vật' tìm nơi gửi trẻ.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong khi nhu cầu gửi trẻ của công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng ngày càng tăng cao, số lượng nhóm trẻ trong khu công nghiệp cũng như chỉ tiêu tuyển sinh của các trường mầm non nằm ở gần khu công nghiệp đều đang trong tình trạng quá tải.

Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều công nhân, người lao động phải “chật vật” xếp lốt để được gửi con ở trường mầm non công lập hoặc tìm đến các nhóm trẻ nhỏ, lẻ tự phát do chi phí của các trường tư thục quá cao so với thu nhập.

Vậy nguyên nhân tại sao các trường mầm non công lập ở gần khu công nghiệp luôn trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng?

Trao đổi với đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), phóng viên được biết, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng quá tải.

Không đảm bảo về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên khiến nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng hết được nhu cầu gửi trẻ của công nhân, người lao động (Ảnh: Phạm Linh)

Không đảm bảo về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên khiến nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng hết được nhu cầu gửi trẻ của công nhân, người lao động (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên cho biết, những trường gần khu công nghiệp còn xảy ra tình trạng quá tải sĩ số trẻ/lớp do dân số cơ học cao, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều. Do mức lương giáo viên mầm non thấp nên nhiều giáo viên trẻ bỏ nghề đi làm cho các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

Hiện, bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trẻ em là con công nhân và giáo viên dạy con công nhân trong các khu công nghiệp đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hằng năm, huyện cho rà soát cơ sở vật chất tại 100% các trường mầm non công lập.

Trên cơ sở đó đề xuất sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các phòng học, huyện đang có kế hoạch mở rộng diện tích, xây mới một số trường: An Lư, Thiên Hương, Thủy Triều, Lập Lễ, Ngũ Lão, Hợp Thành.

Nhằm thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non và đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, huyện Thủy Nguyên cũng khuyến khích, tư vấn hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức thành lập các trường mầm non tư thục, các lớp mầm non độc lập (nếu đảm bảo đủ các điều kiện) giúp giảm tải cho trường công lập và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ là con công nhân. Mọi thủ tục sát nhập, thành lập được giải quyết nhanh gọn, theo quy định 1 cửa.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Trường Mầm non Hoa Động (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), cơ sở vật chất của nhà trường hiện đã có chiều hướng xuống cấp. Đặc biệt có tình trạng thừa phòng học nhưng thiếu giáo viên để giãn học sinh tránh quá tải.

Cụ thể như hệ thống cấp thoát nước tại các lớp, các thiết bị vệ sinh bị hỏng và ngấm ra tường, nền nhà vệ sinh lớp học, phòng phụ, thiết bị công nghệ thông tin,...xuống cấp ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc trẻ tại các nhóm lớp.

Thời điểm năm học 2018 – 2019, nhà trường thiếu đến 8 giáo viên. Sau khi được bổ sung, đến hiện tại, nhà trường thiếu 3 giáo viên so với định biên số lớp và số trẻ nên còn khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ.

Trong khi đó, những năm gần đây số lượng trẻ là con của công nhân học tập tại nhà trường có xu hướng tăng. Có năm học tăng gần 100 trẻ là con của công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn huyện.

Năm học 2022 – 2023, Trường Mầm non Hoa Động có tổng số 606 trẻ trong đó có 296 trẻ là con của công nhân.

Giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Hoa Động (Ảnh: Phạm Linh)

Giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Hoa Động (Ảnh: Phạm Linh)

Còn tại Trường Mầm non Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), với sĩ số 531 trẻ (17 lớp), nhà trường hiện còn 4 phòng học theo định biên số lớp và số trẻ.

Dù có 2 điểm trường nhưng diện tích của nhà trường rất chật hẹp (khu A có diện tích 2.462m2, khu B có diện tích 2.698m2).

Do thiếu diện tích, trường hiện không có phòng chức năng (tận dụng để làm phòng học cho trẻ), không có vườn trường hay sân chơi cho trẻ. Không chỉ vậy, nhà trường chỉ có 1 dãy nhà ở khu B được xây mới còn các công trình còn lại đã xây dựng gần 20 năm nên nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp.

Về đội ngũ, Trường Mầm non Thiên Hương hiện có 34 giáo viên. Theo định biên, nhà trường vẫn còn thiếu 2 giáo viên.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, được biết, thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 500.000 công nhân, viên chức, lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố được hưởng sự hỗ trợ từ Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 12/08/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng Quy định một số mức hỗ trợ thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Còn đối với trẻ và giáo viên trong các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố hiện chưa được hưởng chế độ hỗ trợ gì theo Nghị định 105 (ngoại trừ chính sách hỗ trợ cho trẻ thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, khuyết tật,...)

Bên cạnh đó, thành phố đến nay vẫn chưa có khu thiết chế công đoàn bao gồm nhà ở, nhà trẻ,…dành riêng cho công nhân, người lao động.

Phạm Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-cong-qua-tai-khien-cong-nhan-o-hai-phong-chat-vat-tim-noi-gui-con-post234590.gd