Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng môi trường học tập hiện đại, phù hợp thực tế
Nhờ đầu tư cho cơ sở hạ tầng số hóa, ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học, HUIT đã xây dựng được môi trường học tập hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tập trung đầu tư cho hạ tầng công nghệ
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất đến dịch vụ. Trước sự chuyển đổi đó, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT) nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng thích nghi với yêu cầu của nền kinh tế số.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm qua, HUIT không ngừng nỗ lực cải tiến chương trình giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đầu tư vào cơ sở hạ tầng số hóa nhằm tạo ra môi trường học tập hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế.
“Đặc biệt, HUIT đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, kỹ thuật số, quản trị dữ liệu và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Các khóa học không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn nhấn mạnh vào thực hành, giúp sinh viên rèn luyện và phát triển các kỹ năng cốt lõi để làm việc trong môi trường số”- PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh.
Mặc dù chuyển đổi số là mục tiêu tất yếu, nhưng quá trình này cũng đi kèm với nhiều thách thức đối với HUIT nói riêng và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn cho hay: Một trong những khó khăn lớn nhất là việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng số hóa. Để đảm bảo quá trình học tập và giảng dạy không bị gián đoạn, HUIT đã dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp hệ thống quản lý học tập, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tiếp cận tài nguyên số dễ dàng.
Bên cạnh đó, việc thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang kỹ thuật số đòi hỏi thời gian và sự thích ứng từ cả giảng viên và sinh viên. Để hỗ trợ quá trình này, HUIT đã triển khai các chương trình đào tạo cho giảng viên, giúp họ nâng cao kỹ năng công nghệ và áp dụng phương pháp dạy học số vào các môn học của mình. Nhờ những nỗ lực này, HUIT đã đạt được một số thành công bước đầu trong việc chuyển đổi số, từng bước xây dựng một hệ thống giáo dục số hóa hiện đại và hiệu quả.
Thúc đẩy các sáng kiến giáo dục đại học
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn, HUIT không chỉ tập trung vào cải tiến nội bộ mà còn không ngừng mở rộng các sáng kiến nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học trong cộng đồng. Trường đã xây dựng các dự án hợp tác với doanh nghiệp trong ngành, qua đó sinh viên có thể tiếp cận với các kỹ năng thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. HUIT cũng tạo ra các hội thảo, diễn đàn và chương trình ngoại khóa với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và quản trị. Các sáng kiến này giúp sinh viên của trường tiếp cận với những kiến thức mới nhất, mở rộng tầm nhìn và hiểu rõ hơn về yêu cầu của thị trường lao động số hóa.
Ngoài ra, HUIT đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi và áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Sự kết hợp giữa kiến thức quốc tế và nhu cầu nội địa đã giúp HUIT nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên phát triển toàn diện cả về kỹ năng lẫn tư duy sáng tạo.
Với những nỗ lực và định hướng rõ ràng, HUIT đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong việc phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, HUIT vẫn luôn kiên định trong việc cải tiến, đổi mới và phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trường hứa hẹn sẽ tiếp tục là đơn vị tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của nền giáo dục đại học Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.