Trường Đại học Điện lực: Nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục
Ngày 25.9 tại Hà Nội, EPU đã tổ chức Lễ đón nhậm Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục và Lễ trao bằng tốt nghiệp Thạc sỹ, đại học năm 2022.
Năm 2022, Trường Đại học Điện lực (EPU) hoàn thành chương trình Kiểm định chất lượng giáo dục và có 121 tân Thạc sĩ cùng 1.590 tân kỹ sư, cử nhân đón nhận bằng tốt nghiệp.
Là một trường trực thuộc Bộ Công Thương chuyên đào tạo chuyên ngành về kỹ thuật trong lĩnh vực điện, Trường Đại học Điện lực có 19 ngành đào tạo đại học đại trà, 10 ngành đào tạo thạc sỹ, 7 ngành đào tạo tiến sĩ với quy mô hơn 14.000 sinh viên .
Trong những năm qua Trường Đại học Điện lực đã không ngừng đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo giảng viên, hợp tác với các doanh nghiệp. Nhà trường thường xuyên rà soát lại nội dung chương trình, loại bỏ những nội dung trùng lặp, cập nhật nội dung phù hợp, tăng tính thực tiễn.
PGS.TS Đinh Văn Châu – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: “Xác định, đảm bảo chất lượng giáo dục là khâu then chốt trong các hoạt động của một trường đại học. Tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp các trường đại học có cơ hội rà soát lại toàn bộ quá trình tổ chức hoạt động đào tạo một cách có hệ thống, từ đó điều chỉnh và không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội”.
Nhận thức rõ vấn đề trên, đầu năm 2022, Trường Đại học Điện lực đã tiến hành tổ chức đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục cho 06 chương trình đào tạo. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, công minh, qua đánh giá của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cả 06/06 chương trình đào tạo chính quy của Đại học Điện Lực gồm: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản lý công nghiệp và Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông đã được đánh giá với tỷ lệ cao và được cấp Giấy chứng nhận.
“Báo cáo của khảo sát của Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đối với 6 chương trình đào tạo sẽ là cơ sở để sáu ngành đào tạo của Trường Đại học Điện lực thực hiện kế hoạch cải tiến, không ngừng đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tạo ra niềm tin vững chắc cho việc tiếp tục đánh giá và đánh giá ngoài đối với các chương trình đào tạo khác của Nhà trường”, PGS.TS Đinh Văn Châu khẳng định.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục Đào tạo đã đánh giá cao chất lượng đào tạo của nhà trường. “Kết quả bảo đảm chất lượng của Trường được đánh giá, ghi nhận qua công tác kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Từ tháng 6/2018, Trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục; tháng 8/2022, Trường có 06 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, chất lượng đào tạo không có điểm dừng; những điểm mạnh trong hoạt động đào tạo cần được tiếp tục duy trì, điểm hạn chế cần được khắc phục để không ngừng nâng cao hiệu quả. Vì vậy, Nhà trường xác định việc được công nhận kiểm định cơ sở giáo dục và 06 chương trình đào tạo là một sự kiện quan trọng, nhưng cũng chỉ là một dấu ấn trên con đường mà nhà trường theo đuổi với sứ mạng: là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của ngành năng lượng nói riêng và xã hội nói chung trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển bền vững và tầm nhìn "Trường ĐH Điện lực trở thành trường đại học hàng đầu trong nước về lĩnh vực năng lượng, đạt đẳng cấp quốc tế vào năm 2030"..
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cũng đề nghị Nhà trường tiếp tục quan tâm đến công tác bảo đảm chất lượng bên trong để xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng; tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; tiếp tục thực hiện việc đánh giá các chương trình đào tạo còn lại theo tiêu chuẩn trong nước hoặc nước ngoài theo kế hoạch đề ra; Đề nghị nhà trường xây dựng kế hoạch khả thi để cải tiến, nâng cao chất lượng, hướng đến thực hiện tốt sứ mạng của nhà trường.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cho giảng viên nâng cao chất lượng đào tạo; tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển năng lực cán bộ quản lý và giảng viên.
Thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trường cũng đã thường xuyên mời các chuyên gia của các doanh nghiệp đến làm việc nhằm cung cấp thông tin, kỹ thuật mới nhất để nâng cao trình độ cho giảng viên và sinh viên.
Song song với đó, Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành Điện để sinh viên tham gia thực tập ngay tại doanh nghiệp. Việc thực hiện đào tạo kỹ năng thực hành song hành với kiến thức thông qua kỳ thực tập sinh của sinh viên năm cuối đã giúp sinh viên nắm bắt được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Quá trình đào tạo kết hợp thực hành kỹ năng, trao đổi chuyên môn giúp cơ sở sử dụng lao động tuyển dụng được lao động theo nhu cầu của mình.
Thông qua các hoạt động này, Nhà trường cũng đã tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp trong thực hiện liên kết đào tạo để xây dựng chuẩn đầu ra, có thể đáp ứng các yêu cầu riêng của doanh nghiệp, tích cực thực hiện quy trình, hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp để cải tiến chương trình đào tạo có liên quan đến nội dung hợp tác.
Nhắn nhủ các sinh viên có mặt tại buổi lễ, PGS.TS Đinh Văn Châu chia sẻ: “Con tàu Trường Đại học Điện lực đã đưa các em đến đích, Trường của chúng ta chưa hoàn hảo, nhưng chắc chắn rằng, chúng ta đã cố gắng rất nhiều để con tàu này trở nên tốt hơn, để biến Đại học Điện lực thành một cộng đồng quan tâm, đồng cảm. Trong cộng đồng này, gần 500 thầy cô đã bền bỉ nỗ lực từng chút, từng chút một chuẩn bị cho các em tất cả những thứ cần thiết để sẵn sàng đối mặt với một thế giới đầy thách thức khi các em gia nhập xã hội sau khi tốt nghiệp”.
“Chỉ có tri thức, trí tuệ, đạo đức mới nhận được sự dung nạp của thế giới. Đại học Điện lực chỉ cho các em hành trang, từ hành trang này, các em hãy tiếp tục bồi đắp thông qua chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự va chạm. Hãy sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình, chấp nhận việc bị thuyết phục bởi những lập luận mạnh mẽ hơn để hoàn thiện bản thân”, PGS.TS Đinh Văn Châu chia sẻ.
Thời gian tới, Nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh kiểm định chất lượng; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; Nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của nhà trường; Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên làm công tác bảo đảm chất lượng của đơn vị; Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; Xây dựng chuẩn đầu ra đối với tất cả các chương trình đào tạo dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam...
Năm 2022, Trường Đại học Điện lực đã trao bằng tốt nghiệp cho 121 Thạc sĩ các khóa 2018, 2019 và 2020 cùng với 1.590 tân sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy.
Hoạt động khảo sát chính thức đánh giá ngoài 06 chương trình đào tạo của Đoàn Chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội tại Nhà trường diễn ra từ ngày 27 đến 31 tháng 05 năm 2022 gồm các hoạt động: nghiên cứu hồ sơ minh chứng và các tài liệu liên quan; phỏng vấn và thảo luận với 07 nhóm đối tượng có liên quan bên trong và bên ngoài trường; làm việc trực tiếp và online với cán bộ phụ trách chuyên môn tại các đơn vị chức năng và các Khoa có chương trình đào tạo được đánh giá; quan sát hoạt động giảng dạy - học tập; khảo sát ý kiến của các bên liên quan; kiểm tra, khảo sát cơ sở vật chất phục vụ cho các chương trình đào tạo như: thư viện, phòng tư liệu, phòng thực hành, thí nghiệm, lớp học, sân bãi phục vụ đào tạo, ký túc xá…
Thu Hường