Trường đại học dự kiến lên đại học: Cần lưu ý gì?

Nhiều trường đại học đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi từ trường đại học thành đại học. Các chuyên gia cho rằng cần kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi, tránh việc chạy theo 'mốt', háo danh.

Nhiều trường đại học dự kiến lên đại học

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (ĐH) (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Sau ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện một số trường ĐH khác cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành ĐH như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội.

Mới đây, tại lễ Khai giảng năm học mới 2023-2024, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của trường sẽ là thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị đại học hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng đối với cải tiến chất lượng sau kiểm định, để thực hiện thành công tự chủ của trường trong những năm tới, nâng cao vị thế và phát triển trường trở thành ĐH Y Hà Nội.

"Năm học mới 2023-2024 sẽ đi cùng với nhiều chủ trương và hoạt động lớn của trường như thực hiện tự chủ đại học, chuẩn bị đề án phát triển thành ĐH Y Hà Nội, đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo bác sĩ y khoa giai đoạn 3, đổi mới chương trình đào tạo sau đại học; chuẩn bị cho các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và quản trị hệ thống; phát triển và củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nền tảng cho hội nhập và công nhận quốc tế".

Trường ĐH Y Hà Nội là một trong số ít trường ĐH có tỷ lệ nhập học cao. Riêng các mã ngành Y khoa của trường, tỷ lệ thí sinh nhập học là 100%.

Trường ĐH Y Hà Nội là một trong số ít trường ĐH có tỷ lệ nhập học cao. Riêng các mã ngành Y khoa của trường, tỷ lệ thí sinh nhập học là 100%.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong kế hoạch, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có định hướng chiến lược để trở thành đại học và sẽ có ít nhất 3 trường thành viên là: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ. Trong đó, định hướng cơ bản của Trường Khoa học công nghệ là nghiên cứu và đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Trường ĐH Cần Thơ cũng đã công bố việc thành lập 4 trường, 1 khoa và 1 viện mới, trên cơ sở các đơn vị hiện có gồm Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm.

Hội đồng trường Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000). Theo một đại diện của trường, lộ trình này được xác định là đến năm 2025.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thông qua đề án tái cấu trúc nhà trường thành ĐH đa ngành. Ba trường thành viên trực gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế - Luật và Quản lý nhà nước, Trường Công nghệ và Thiết kế. Theo lộ trình, trong giai đoạn 2022 - 2025, trường sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập ĐH Kinh tế TP.HCM.

Cần kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, để được chuyển từ trường ĐH lên ĐH, các trường phải đáp ứng các điều kiện: Trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nét nổi trội của các ĐH đa lĩnh vực là bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên cho phép huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường đại học chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đồng thời tạo cơ hội cho từng giảng viên đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn người thầy giỏi nhất. Tất cả ĐH đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: ĐH, trường và khoa.

TS. Lê Viết Khuyến cho biết, mô hình ĐH đa lĩnh vực cho phép nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất. Bởi vậy, ĐH đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn. "Đây là chính sách đúng đắn, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam với thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, khi chuyển đổi từ trường ĐH lên ĐH cần kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi, tránh việc chạy theo "mốt", háo danh.

Nói thêm về việc các trường ĐH chuyển thành ĐH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc nâng cấp từ trường ĐH thành ĐH sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành ĐH, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên. Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một ĐH với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc.

Một ĐH có thể có nhiều trường ĐH thành viên. Các trường thành viên này có tư cách pháp nhân, cấp bằng tốt nghiệp riêng hoặc cũng có thể chỉ là trường trực thuộc, không có tư cách pháp nhân, không cấp bằng tốt nghiệp riêng. Hội đồng trường ĐH sẽ trở thành Hội đồng ĐH. Khi đó, Hội đồng ĐH sẽ đề ra chiến lược phát triển tầm vĩ mô hơn, áp dụng cho cả các đơn vị thành viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Không phải cứ lên ĐH là tốt hơn, quan trọng trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình ĐH không phù hợp. Đặc biệt cũng không nên đánh giá trường ĐH hay ĐH có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình riêng".

Hiện cả nước có 6 đại học (ĐH), trong đó có 2 ĐH quốc gia gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM; 4 ĐH vùng, tương đương vùng thuộc Bộ GD&ĐT gồm: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truong-dai-hoc-du-kien-len-dai-hoc-can-luu-y-gi-169230927102020967.htm