Trường đại học đua nhau quốc tế hóa giáo trình

Việc quốc tế hóa giáo trình phần nhiều theo công thức chung là tham khảo giáo trình ở các trường danh tiếng, của học giả, giáo sư đầu ngành trên thế giới, sau đó mua bản quyền, điều chỉnh, viết lại nếu cần thiết cho tương thích với thực tế giảng dạy tại Việt Nam.

Nhiều trường thực hiện

Từ năm 2005 Bộ GD - ĐT có chủ trương cho một số trường đại học phát triển chương trình tiên tiến theo chuẩn thế giới, bằng cách nhập khẩu về các trường này chương trình đào tạo của các trường thuộc top 50-100 trên thế giới. Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM là một trong những trường đầu tiên thực hiện việc nhập khẩu giáo trình. Cụ thể, năm 2006, nhà trường đã xây dựng chương trình tiên tiến ngành Điện - điện tử từ việc nhập khẩu chương trình từ nước ngoài. Cụ thể, trường ĐH Bách khoa làm việc với ĐH Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Mỹ) trao đổi về việc nhập khẩu chương trình đào tạo ngành Điện - điện tử. UIUC là trường ĐH nằm trong top 30 ở Mỹ.

Nhiều trường đại học mua bản quyền, điều chỉnh, viết lại cho tương thích với thực tế giảng dạy tại Việt Nam.

Nhiều trường đại học mua bản quyền, điều chỉnh, viết lại cho tương thích với thực tế giảng dạy tại Việt Nam.

Theo GS. TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP. HCM, nhà trường chọn lọc, tham khảo các giáo trình tốt nhất từ 100 trường đại học danh tiếng trên thế giới, sau đó hội đồng khoa học của trường thẩm định, chọn lựa dựa trên 3 tiêu chí là nhà xuất bản nổi tiếng, tác giả nổi tiếng thế giới và sử dụng được cơ sở dữ liệu học liệu, từ đó tiến hành dịch lại dưới sự giám sát của nhà xuất bản giáo trình ấy.

“Từ năm 2012, nhà trường thành lập Ban đề án để triển khai việc trên nhưng đến năm 2014 mới áp dụng việc giảng dạy giáo trình quốc tế cho hệ sau đại học, năm 2015 với hệ đại học. Sinh viên của trường ĐH Kinh tế TP. HCM hai năm đầu học giáo trình được dịch sang tiếng Việt. Nhưng 2 năm sau phải học giáo trình nguyên bản để bảo đảm các nguyên tắc học thuật và chuyên môn. Sau 5 năm triển khai, các ngành học của trường đã giảng dạy bằng giáo trình quốc tế”, GS. TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

Tương tự, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng đã nhập khẩu chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới. Hiện nay các chương trình của trường có hai loại là nhập khẩu toàn phần và nhập khẩu một phần. Với nhập khẩu toàn phần có hai chương trình của ĐH Sunderland (Anh) là Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và Quản trị kinh doanh. Nhập khẩu một phần có 19 chương trình hệ đào tạo chất lượng cao, với việc nhập chương trình các môn khoa học cơ bản và cơ sở ngành từ các trường đại học Mỹ. Nhà trường hiện dạy song ngữ và có 10 chương trình hệ chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có 16 ngành đào tạo và giảng dạy theo giáo trình quốc tế. Trong đó, sinh viên chương trình tiếng Anh nhóm ngành Quản trị Kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Răng hàm mặt học hoàn toàn bằng chương trình nhập từ các trường danh tiếng của Mỹ, Anh và Australia. Mục tiêu trước mắt của nhà trường là tạo chất lượng ngang hàng với sinh viên quốc tế của hệ này, trước khi đủ thời gian chuẩn bị cho việc áp dụng cho chương trình đại trà. Bởi vị thế của một trường đại học trên trường quốc tế chính là danh tiếng học thuật và khoa học.

Từ năm học 2015 - 2016, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đưa vào giảng dạy tất cả ngành học bằng chương trình đào tạo của các trường đại học thuộc top 100 trên thế giới. Nhiều ngành học của trường đã được các trường quốc tế công nhận trong đào tạo liên thông bậc đại học và cao học.

Ngay từ ngày đầu thành lập, trường ĐH FPT đã tiến hành việc “nhập khẩu” giáo trình từ nước ngoài. Quy trình thực hiện bao gồm 3 bước: Bước 1, đội ngũ chuyên gia sẽ tìm hiểu xem các trường đại học trong top 100 thế giới hiện đang dùng các giáo trình nào; bước 2, trường lọc ra 3 đến 5 bộ giáo trình phù hợp nhất rồi tiến hành đặt mua để có thể xem giáo trình một cách chi tiết và cụ thể nhất; cuối cùng là thảo luận, chọn ra bộ giáo trình phù hợp nhất để đàm phán mua bản quyền hoặc nhập sách.

Hiện các giáo trình mà trường ĐH FPT sử dụng đều có bản quyền của các nhà xuất bản nổi tiếng như McGraw Hill, Pearson, Cengage, Jones and Bartlett Learning, John Wiley... Đồng thời, để bắt kịp tốc độ phát triển của kiến thức, nhà trường vẫn tiếp tục cập nhật thông tin về các bộ giáo trình mới theo chu kỳ 2 - 3 năm/lần.

Nâng cao chất lượng

Để có bộ giáo trình phù hợp với yêu cầu chuyển đổi, chuẩn hóa theo định hướng đào tạo của từng trường, môi trường giáo dục tại Việt Nam, PGS. TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nói đó là việc không hề đơn giản. Tuy nhiên, việc quốc tế hóa giáo trình, chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam đã và đang gia nhập sâu vào thị trường lao động quốc tế.

Việc nhập khẩu chương trình giúp tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến, giúp sinh viên dễ dàng liên thông với các đại học ngoài nước.

Việc nhập khẩu chương trình giúp tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến, giúp sinh viên dễ dàng liên thông với các đại học ngoài nước.

“Các trường khi nhập khẩu giáo trình quốc tế ngoài việc phải nâng chuẩn đội ngũ, còn phải đầu tư nguồn lực lớn cho việc chuyển đổi thư viện sách sang thư viện số; xây dựng bài giảng theo hướng E-Learning, cập nhật dữ liệu giáo trình, phương pháp giảng dạy mới hàng năm lên kho dữ liệu số. Bên cạnh đó, các trường còn phải đầu tư chi phí hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng cho việc dịch thuật, bổ sung nguồn học liệu mở cho sinh viên, giảng viên. Đây là rào cản lớn khiến không ít trường e dè khi thực hiện việc quốc tế hóa giáo trình”, ông Phong nói.

Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Trọng Hoài, điều quan trọng để xây dựng lộ trình, thực hiện quốc tế hóa giáo dục thành công, các trường phải tạo cơ chế mở, khuyến khích giáo viên chuyển đổi, chủ động nâng cao chuyên môn. Đặc biệt phải khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong bài giảng của giáo viên. Với những vấn đề mang tính cụ thể, điển hình theo bối cảnh Việt Nam, giáo viên phải là người chủ động xây dựng, soạn bài giảng bổ sung để bảo đảm hiệu quả tối đa của bài giảng.

GS. TS Nguyễn Trọng Hoài cũng cho rằng, việc chuẩn hóa chương trình đào tạo, các giá trị học thuật là “chìa khóa” giúp định vị thương hiệu của một trường đại học trên bản đồ thế giới. Vì vậy, nếu làm tốt việc quốc tế hóa giáo trình giảng dạy, chuẩn hóa chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với trường danh tiếng, chắc chắn giá trị thương hiệu và vị thế khoa học của đơn vị ấy sẽ dần tăng lên.

Còn theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, việc nhập khẩu chương trình giúp tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến, giúp sinh viên dễ dàng liên thông với các đại học ngoài nước, và các trường bạn dễ dàng công nhận tín chỉ đã học ở Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay rất nhiều công ty đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam nên giáo dục đại học Việt Nam cũng phải thích ứng, để đào tạo được nguồn nhân lực thỏa mãn yêu cầu của các công ty này. Vừa qua, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM làm việc cho các công ty đa quốc gia.

Quế Sơn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/truong-dai-hoc-dua-nhau-quoc-te-hoa-giao-trinh-1757930.tpo