Trường Đại học GTVT: Nghiên cứu khoa học theo các chuẩn mực quốc tế
Sáng 12/11, tại Hà Nội, Trường Đại học GTVT tổ chức Hội nghị Khoa học - Công nghệ lần thứ 22. Trong đó, mục tiêu đề ra là xây dựng Trường trở thành trường đại học nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, lao động sản xuất trong giai đoạn 2018- 2020; giới thiệu những công trình nghiên cứu tiêu biểu, đồng thời xác định những nhiệm vụ trọng tâm của công tác này trong giai đoạn phát triển mới.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyên giao công nghệ là một trong hai nhiệm vụ chính trị quan trọng của một trường đại học. Trong giai đoạn 2018- 2020, hoạt động khoa học - công nghệ, lao động sản xuất của nhà trường tiếp tục có bước phát triển vượt bậc.
Công tác quản lý hoạt động KHCN có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp và giao quyền tự chủ cao cho các đơn vị. Nhà trường đã ban hành hệ thống văn bản quản lý hoạt động KHCN; rà soát và thực hiện các biện pháp thống nhất liên quan đến các cơ sở dữ liệu học thuật; quy chế khen thưởng KHCN.
Các cán bộ khoa học của Trường đã thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN các cấp, công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí khoa học ở trong nước và quốc tế thuộc danh mục Web of Science và Scopus; tạp chí khoa học của Trường đã có sự phát triển vượt bậc tiệm cận tiêu chuẩn ACI.
Phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên ngày càng phát triển; hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, các hoạt động lao động sản xuất có bước tiến mới như trong clip tổng hợp và bản báo cáo của PGS.TS Nguyễn Duy Việt – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Trường Đại học GTVT được xếp hạng thứ 19 trong các cơ sở giáo dục đại học có công bố tốt nhất Việt Nam năm 2019 và vinh dự nhận được đánh giá 4 sao trên mức tối đa 5 sao về tổng thể các mặt hoạt động của Nhà trường theo bảng xếp hạng đối sánh chất lượng – UPM.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long cho biết, nhiệm kỳ công tác 2020-2025, trường xác định mục tiêu tổng quát là “Xây dựng Trường trở thành trường đại học nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế; đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và trong khu vực”.
Các giải pháp cụ thể, gồm: Xác định, lựa chọn và tập trung đầu tư vào một số định hướng nghiên cứu khoa học chính, có thế mạnh để phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được ít nhất ba nhóm nghiên cứu khoa học mạnh đạt tầm khu vực, có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học kĩ thuật phức tạp, có tính liên ngành;
Xây dựng Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học để làm công tác “gieo mầm” các hạt; nhân khoa học công nghệ cho nhà trường; nghiên cứu cơ chế cho phép phát triển từ các nhóm NCKH có triển vọng lên thành các Trung tâm KHCN có khả năng độc lập, chủ động thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ; đem lại lợi ích cho nhà trường.
Cùng với đó là việc phối hợp nghiên cứu với các Viện, các công ty, tổ chức kinh tế - xã hội để tạo ra một số sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng đột phá, tạo thương hiệu cho nhà trường; Tranh thủ các nguồn kinh phí từ vốn đầu tư nước ngoài, kinh phí của nhà, các nguồn xã hội hóa và trích một phần kinh phí xứng đáng hơn trong doanh thu của nhà trường để đầu tư cho hoạt động KHCN.