Trường đại học khác gì đại học? Nâng cấp để làm gì?

Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, bỗng trở thành câu chuyện khiến nhiều người xôn xao.

Bởi lẽ, trong tâm thức người Việt Nam xưa nay, cách gọi Trường Đại học và Đại học không khác nhau. Vậy thực chất, phải nhìn nhận thế nào cho đúng đắn và phải đặt tên thế nào cho hợp lý?

Chuyển từ “trường đại học” lên “đại học”, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), nhưng có cơ cấu tổ chức và hoạt động rộng lớn hơn. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc nâng cấp từ trường đại học thành đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Đồng thời, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên. Một đại học với rất nhiều khoa sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường riêng biệt.

Như vậy, đại học có thể có nhiều trường đại học thành viên. Các trường thành viên này có tư cách pháp nhân và có thể cấp bằng tốt nghiệp theo tiêu chuẩn chuyên ngành. Ít nhất về quy mô “đại học” tầm vóc gấp đôi, gấp ba “trường đại học”. Thế nhưng, điều ấy mang lại gì? Nếu cứ ồ ạt nâng cấp “trường đại học” lên “đại học”, chất lượng chuyên môn, điều kiện giảng dạy, quy mô đào tạo... đều gặp khó khăn.

Sau khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được “nâng cấp”, cả nước hiện có 6 đại học, bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai khái niệm “trường đại học” và “đại học” được quy định trong Luật Giáo dục Đại học 2012, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Nhiều người dự đoán, Đại học Bách khoa Hà Nội hình thành sẽ thúc đẩy một số viện và một số khoa thuộc đơn vị này được “thăng hạng” lên thành Trường Đại học. Đặc biệt, với biên độ “bách khoa”, Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn toàn có thể mở thêm một số ngành mới để bổ sung cho trường đại học mới.

Tất nhiên, khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thể vươn lên Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều trường đại học khác cũng sẵn sàng tham gia cuộc đua danh phận này. Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã thông qua đề án tái cấu trúc thành đại học đa ngành. Để tạo nền móng cho Đại học Kinh tế TPHCM có 3 trường đại học trực thuộc được công bố, thứ nhất Trường Kinh doanh UEH, thứ hai Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH, và thứ ba Trường Công nghệ và thiết kế UEH. Rõ ràng, mô hình Đại học Kinh tế TPHCM đã xuất hiện, chỉ chờ cấp thẩm quyền phê duyệt cho giai đoạn phát triển 2023-2025.

Tương tự, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cũng vạch chiến lược kiến thiết Đại học Nông Lâm TPHCM với 4 trường thành viên, là Trường Đại học Nông nghiệp TPHCM, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Kinh tế và phát triển TPHCM, Trường Đại học Khoa học TPHCM.

Nếu so về vị trí trung tâm vùng, Trường Đại học Cần Thơ hơi thiệt thòi khi vẫn chưa thành “đại học” như Đại học Huế hoặc Đại học Đà Nẵng. Không thể kém chị kém em, Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 34, phê duyệt chủ trương chuyển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ. Trong tương lai, Đại học Cần Thơ sẽ có 4 trường trực thuộc, là Trường Đại học Kinh tế Cần Thơ, Trường Đại học Bách khoa Cần Thơ, Trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ và Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Cần Thơ.

Câu hỏi đặt ra, giáo dục đại học có triển vọng gì từ việc đưa trường đại học lên đại học? Không ai trả lời được. Bởi lẽ, với số trường đại học hiện nay trên cả nước, mỗi năm đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh tuyển sinh không lành mạnh. Và đáng buồn hơn, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn vô cùng gian nan trên con đường mưu sinh lập nghiệp.

Trở lại khái niệm dễ lẫn lộn là “trường đại học” và “đại học”. Nếu như các nước sử dụng tiếng Anh thì “trường đại học” chỉ là “school” hoặc “college”. Còn bao trùm lên các “school” và “college” là “university”. Vì chúng ta không tham khảo quốc tế nên cách gọi rất tùy hứng. Một số trường đại học dân lập quy mô nhỏ cũng treo biển “university” rất hoành tráng.

Tóm lại, “trường đại học” và “đại học” có quy mô khác nhau. Thế nhưng, để mạch lạc về danh xưng, nên dùng “Viện Đại học” để tương thích với “university”. Trong “viện đại học” có nhiều “trường đại học” sẽ không ai thắc mắc gì nữa. Và nói gì thì nói, chất lượng đào tạo mới là vấn đề cốt lõi nhất. “Viện Đại học” không góp phần thúc đẩy chuyên môn, mà chỉ tăng nguồn thu từ việc tuyển thêm sinh viên cho các “trường đại học” trong hệ sinh thái, âu lo “học đại” còn kéo dài.

Chuyển đổi từ trường đại học lên đại học sẽ được gì? Không ai trả lời được. Điều quan trọng là tìm cách khai thông đầu ra để sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không còn gian nan trên con đường mưu sinh lập nghiệp.

TUY HÒA

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/truong-dai-hoc-khac-gi-dai-hoc-nang-cap-de-lam-gi-112038.html