Trường đại học làm gì để tiếp tục tự chủ hiệu quả, tăng nguồn thu?

Năm 2024, lãnh đạo các trường đại học kỳ vọng tăng cường tự chủ, đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh những đột phá trong hoạt động đào tạo và phát triển của các cơ sở giáo dục, tự chủ đại học hiện nay vẫn đứng nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Một số vướng mắc cần được tháo gỡ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2023, nhà trường cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, chủ yếu tập trung vào việc đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực thi tự chủ trong bối cảnh hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng. Ảnh: tuyengiaoangiang.vn.

"Trường Đại học An Giang đang tự chủ nhóm 3 (Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên). Do đặc thù là trường đại học thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ở tại tỉnh, người học đa số xuất phát từ gia đình có thu nhập thấp.

Nguồn thu chủ yếu là của nhà trường là học phí, chiếm tỷ trọng 57% nhưng khoản này không tăng. Trường đào tạo 2 khối ngành Sư phạm và Nông nghiệp – vốn là ngành khó tuyển. Trong khi đó, ngân sách nhà nước cấp giảm hằng năm theo quy định, nhưng khoản này khó có thể bù đắp bằng học phí. Chính vì vậy, nhà trường tích cực phát triển các nguồn thu khác để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó nhu cầu học tập của xã hội có thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh và giảm quy mô đào tạo hình thức vừa làm vừa học, trình độ đại học và tỷ lệ học viên sau đại học/sinh viên đại học chưa đạt như mục tiêu đề ra.

Hơn thế nữa, một số văn bản cụ thể hóa luật chuyên ngành, các nghị định của chính phủ chưa được ban hành đầy đủ; việc triển khai thực hiện Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn một số vướng mắc cần được tiếp tục tháo gỡ", thầy Thắng nêu quan điểm.

Theo thầy Thắng, năm nay, nhà trường tập trung vào các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học. Thầy Thắng chia sẻ: "Nhà trường tập trung vào việc đổi mới chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Về chuyển đổi số, nhà trường tập trung đầu tư vào công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người học và giảng viên tham gia các hoạt động học tập trực tuyến, nghiên cứu khoa học trực tuyến".

Đẩy mạnh công tác phân cấp tự chủ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm 2024, nhà trường đẩy mạnh công tác phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc đề xuất đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và lựa chọn các hạng mục đầu tư có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hơn nữa các hoạt động ngành nghề đào tạo thế mạnh của trường. Tăng tính tự chủ và tính chịu trách nhiệm của các đơn vị, mở rộng cơ chế khoán chi một số hoạt động cho các đơn vị đào tạo và dịch vụ trong trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cũng cho rằng cần nghiên cứu lại mô hình hoạt động các công ty, đơn vị tự chủ thuộc trường; nghiên cứu triển khai mô hình doanh nghiệp liên doanh, liên kết, hợp tác xã. Triển khai xây dựng đề án trả lương theo vị trí việc làm, trả lương theo công việc, nhiệm vụ được giao nhằm khuyến khích được viên chức, người lao động phát huy tối đa năng lực, tinh thần làm việc và sự chủ động sáng tạo.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp thông qua việc đẩy mạnh các cuộc thi khởi nghiệp tại trường và các cấp; xây dựng môi trường, tạo điều kiện hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, ươm mầm tinh thần doanh nhân trong sinh viên. Đàm phán và ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Phát triển hoạt động câu lạc bộ, mạng lưới hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp và kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong hệ sinh thái đạt kết quả cao; song song đẩy mạnh thông tin và truyền thông.

"Thế mạnh hoạt động tự chủ, chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục và đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học đã được nhà trường triển khai thông qua nhiều hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động chưa thể toàn diện và nhanh chóng bởi còn nhiều khó khăn trong công tác tổ chức và thích nghi. Trong thời gian tới nhà trường hướng đến chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu hướng đến đại học số/đại học thông minh và khẳng định tập trung số hóa trong các lĩnh vực đào tạo, tập trung phát triển nhân sự, cơ sở vật chất để chuyển đổi số toàn diện", thầy Hoàn nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết, năm 2024 nhà trường tiếp tục thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng. Quảng bá rộng rãi đến xã hội, cộng đồng, phụ huynh, học sinh về thông tin của nhà trường, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng cao ở thị trường lao động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và cơ hội việc làm rộng mở sau khi ra trường. Bên cạnh đó là đẩy mạnh chương trình thực tập nghề nghiệp ở nước ngoài để sinh viên có kinh nghiệm học tập tại nước ngoài và được hưởng lương. Hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng có kết quả học tập và rèn luyện tốt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức. Ảnh: NVCC.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế đề xuất: "Cần có các chính sách cụ thể để thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó xác định nhu cầu nguồn nhân lực đảm bảo cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bền vững; xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050".

Năm 2024, thầy Đức cũng mong nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến các trường đào tạo khối ngành nông lâm, ngư nghiệp. Xem các ngành đào tạo nông, lâm, ngư nghiệp là ngành đặc thù. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ đối với sinh viên theo học các ngành nông, lâm, thủy sản. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành này.

Nhìn lại năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho biết, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đổi tên thành Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 789/QĐ-TTg ngày 1/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Việc đổi tên này đã có tác động đến sự phát triển của nhà trường trong năm qua.

Việc đổi tên trường giai đoạn đầu sẽ có nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo thầy Hoàn đây là bước đột phá, chuyển mình của nhà trường. Đổi tên thành Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh giúp thương hiệu nhận diện nhà trường đa dạng hơn, thay vì sự hiểu nhầm nhiều năm rằng trường chỉ đào tạo ngành công nghệ thực phẩm hay các nhóm ngành liên quan đến thực phẩm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, trong năm qua, nhà trường phát triển về mọi mặt, phần nào khẳng định được vị thế của mình.

Thầy Thắng thông tin, chất lượng đào tạo nâng lên thể hiện qua việc sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra của hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường triển khai thành công các đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, số lượng công bố quốc tế và đề tài, dự án các cấp, đặc biệt là các đề tài cấp Bộ và tương đương tăng hằng năm. Hợp tác quốc tế được mở rộng, thu hút được các dự án lớn, giúp nhà trường phát triển về giáo dục và khoa học công nghệ.

Chất lượng đội ngũ liên tục được nâng lên, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, thu hút chuyên gia và sinh viên quốc tế; nhiều chính khách đến thăm Trường Đại học An Giang.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho hay, năm 2023, về chất lượng đội ngũ, nhà trường có thêm 2 giáo sư, 8 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt trên 50% tổng số giảng viên.

Phạm Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-lam-gi-de-tiep-tuc-tu-chu-hieu-qua-tang-nguon-thu-post240822.gd