Trường Đại học Tiền Giang: Nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục quốc phòng và an ninh

Tháng 7-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án tự chủ giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN) đối với Trường Đại học Tiền Giang. Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, nhà trường chủ động chuẩn bị về mọi mặt, nhất là về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và nơi ăn ở cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục QPAN.

Hiện nay, 100% giảng viên của Bộ môn Giáo dục QPAN (thuộc Khoa Lý luận chính trị-Giáo dục quốc phòng và thể chất, Trường Đại học Tiền Giang) đều có trình độ đại học và sau đại học; được tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục QPAN do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Thầy giáo Tăng Phú Đức, Phó trưởng bộ môn Giáo dục QPAN, cho biết: “Trước đây, sinh viên chỉ học trong giờ hành chính. Triển khai đề án, các em ăn ở tập trung, thực hiện chế độ nền nếp như trong môi trường quân ngũ nên công tác quản lý thuận lợi, chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng cao rõ rệt, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Thầy giáo Nguyễn Đăng Hải huấn luyện sinh viên nội dung điều lệnh đội ngũ tiểu đội.

Thầy giáo Nguyễn Đăng Hải huấn luyện sinh viên nội dung điều lệnh đội ngũ tiểu đội.

Chương trình giáo dục QPAN của nhà trường gồm 4 học phần, 8 tín chỉ (165 tiết), tổ chức quản lý, duy trì nền nếp chính quy trong ngày, tuần và hướng dẫn sinh viên từng bước làm quen với môi trường kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Nhà trường và bộ môn còn tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao tạo không khí vui tươi lành mạnh, giúp sinh viên củng cố kiến thức, rèn luyện tác phong quân nhân cách mạng. Sinh viên Văn Ngọc Ánh, chuyên ngành Luật, Trường Đại học Tiền Giang, chia sẻ: “Em rất hào hứng với nội dung giáo dục QPAN, nhất là những tiết học về chính trị; kỹ thuật tháo lắp súng; điều lệnh đội ngũ tiểu đội, trung đội... Học môn giáo dục QPAN còn giúp em hiểu sâu sắc về truyền thống dân tộc, Quân đội, thấy mình có trách nhiệm hơn với Tổ quốc”.

Theo chia sẻ của thầy giáo Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, đội ngũ giảng viên giáo dục QPAN đều có thâm niên giảng dạy 10-15 năm. Cùng với đó, nhà trường còn mời cán bộ quản lý ở đơn vị Quân đội, thành viên Hội đồng giáo dục QPAN của tỉnh, giảng viên Trường Quân sự Quân khu 9 về thỉnh giảng, truyền thụ kinh nghiệm cho sinh viên. Đề cương chi tiết học phần được biên soạn theo hình thức đào tạo tín chỉ. Giảng viên giảng dạy kết hợp nhuần nhuyễn giữa thuyết trình với trình chiếu powerpoint minh họa hình ảnh; giới thiệu động tác mẫu và phân tích, thực hành động tác chuẩn xác cho sinh viên. Qua dự giờ đánh giá, 100% giảng viên có tiết dạy đạt khá trở lên.

“Để phục vụ môn học, nhà trường đã trang bị 500 bộ sách giáo khoa và các thiết bị như lựu đạn tập, mô hình súng tiểu liên AK, hỏa lực B40, B41; bố trí khu huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật có diện tích hơn 3.000m2 với đầy đủ bia bảng, bệ bắn, mô hình lô cốt, ụ súng, giao thông hào... bảo đảm môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất cho sinh viên", thầy giáo Võ Ngọc Hà nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HỮU TÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/truong-dai-hoc-tien-giang-nang-cao-chat-luong-giang-day-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-753130