Trường đảm bảo an toàn, học sinh có cần đội tấm chắn giọt bắn phòng dịch?
Nhiều phụ huynh lo lắng sức khỏe của trẻ có thể bị ảnh hưởng khi ngồi học trong lớp tấm chắn giọt bắn, việc này có thể ảnh hưởng đến thị lực và chất lượng học tập.
Học sinh cả nước bắt đầu trở lại trường sau thời gian dài tạm nghỉ vì dịch COVID-19. Bên cạnh việc trang bị nước rửa tay, máy đo thân nhiệt, khẩu trang, thực hiện giãn cách lớp học… nhiều phụ huynh và nhà trường còn cẩn thận chuẩn bị thêm mũ chắn giọt bắn cho học sinh ở trường.
Hình ảnh học sinh ngồi trong lớp học đeo một lớp chắn chống giọt bắn, thậm chí đeo khẩu trang khiến nhiều người ngạc nhiên khi các em có thể đeo thiết bị đó trong suốt buổi học lại trong thời tiết nóng nực.
Chị Vương Huyền (Hà Nội) cho rằng, việc trang bị thiết bị bảo vệ con tránh COVID-19 khi tới trường là tốt nhưng việc này có thật sự cần thiết và tốt cho sức khỏe hay không thì cần xem xét lại.
Vị phụ huynh này lo lắng giữa thời tiết mùa hè đầu tháng 5 nắng nóng có nơi lên 40 độ C, việc đeo khẩu trang khiến các con vô cùng khó chịu, lại thêm tấm chắn giọt bắn thì càng bức bối hơn. "Các con khó thở, ngột ngạt, liệu có thể tập trung học được không", chị Huyền đặt câu hỏi.
Anh Nguyễn Duy Nam (Đà Nẵng) cũng không ủng hộ việc để học sinh đeo tấm chăn giọt bắn khi tới trường. Dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, 19 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, vậy bắt học sinh đeo tấm chắn này có còn cần thiết?.
Tấm chắn giọt bắn thực chất được làm từ những tấm nhựa trong suốt, mỏng, dễ xước và dễ gãy. Học sinh phải đeo liên tục ít nhất 4 tiếng/ngày khi ngồi học bài, trong khi mắt nhìn qua tấm chắn kém chất lượng rất dễ mỏi mắt, có nguy cơ loạn thị, cận thị ảnh hưởng tới sức khỏe…
Chưa kể các góc của tấm chắn mỏng và sắc, nếu các em trêu đùa không cẩn thận sẽ bị xước xát, cứa vào da chảy máu.
Học sinh trở lại trường, có cần thiết đeo nón tấm chắn?
Chị Hoàng Thanh Hằng (Phú Thọ) cho biết, thông thường tấm chắn giọt bắn được sử dụng trong bệnh viện, khu vực ổ dịch, tiếp xúc với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Trong khi đó, các trường đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đón trẻ.
"Tại sao vẫn bắt các con sử dụng tấm chắn giọt bắn. Thật sự điều này không càn thiết, thậm chí có phần gây phản cảm và ám ảnh với học sinh", chị Hằng bày tỏ.
Một lớp học 20 học sinh, mỗi em một tấm chắn giọt bắn, ngồi im như tượng, đó không gọi là đi học.
Nếu đã sẵn sàng đón các em thì các trường không nên máy móc như vậy.
Có phần lạc quan hơn, chị Nguyễn Thị Hoài (Hà Nội) đồng tình với cách làm này của một số trường. Chị Hoài cho rằng sức khỏe của học sinh cần được đặt lên hàng đầu, tấm chắn giọt bắn sẽ bảo vệ việc tiếp xúc, bắn nước bọt, giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng.
Phụ huynh chúng tôi chưa yên tâm khi cho con đi học trở lại trường giữa đợt dịch COVID-19. Do đó việc trang bị thêm những tấm chắn giọt bắn như vậy là cần thiết để học sinh, phụ huynh yên tâm hơn.
Bộ GD&ĐT ban hành bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học khi học sinh trở lại trường.
Có 7 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trước khi học sinh đến trường. Đó là đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh như thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch cho học sinh, cán bộ, giáo viên và người lao động trong nhà trường.
Có 6 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch trong quá trình học sinh học tập tại trường. Phải bảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp; đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường theo quy định của Chính phủ, được đặt lên hàng đầu.
Quan điểm của bạn về việc cho trẻ đội tấm chắn giọt bắn ra sao? Mời chia sẻ ý kiến vào box bình luận bên dưới.
Video: Học sinh tới trường sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19