Trường ĐH Giao thông vận tải nhận tài trợ thiết bị điện tử và phần mềm thiết kế vi mạch

Ngày 16/1, Trường ĐH Giao thông vận tải tiếp nhận thiết bị điện tử và phần mềm thiết kế vi mạch Siemens Mentor Graphics do Siemens và NIC tài trợ.

Tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Việc tiếp nhận các thiết bị trên nhằm bổ sung vào nội dung thực hành, thực tập các học phần liên quan trực tiếp đến chip bán dẫn như: Kỹ thuật điện tử tương tự, Kỹ thuật điện tử số, Kỹ thuật vi xử lý, Thiết kế vi mạch số, Công nghệ cảm biến và PLC, Hệ thống tự động hóa quá trình, VLSI… Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển ứng dụng thực tế.

Những năm qua, ngoài nguồn vốn từ nhà nước đầu tư cho phòng thí nghiệm kỹ thuật điện tử, Trường ĐH Giao thông vận tải còn nhận được tài trợ Phòng thí nghiệm chip nhúng của hãng Microchip.

 Trường ĐH Giao thông vận tải nhận thiết bị từ nhà tài trợ.

Trường ĐH Giao thông vận tải nhận thiết bị từ nhà tài trợ.

Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tướng chính phủ, Trường ĐH Giao thông vận tải là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở.

Thời gian qua, Nhà Trường đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp có liên quan ở trong và ngoài nước. Thông qua NIC, Nhà trường còn được nhận tài trợ về phần mềm, chương trình đào tạo, các lớp học nâng cao kỹ năng (upskills) của các tập đoàn Siemens, Cadence, Synopsys.

 Doanh nghiệp đồng hành cùng Trường ĐH Giao thông vận tải.

Doanh nghiệp đồng hành cùng Trường ĐH Giao thông vận tải.

Trường ĐH Giao thông vận tải đã đào tạo các chuyên ngành liên quan đến điện-điện tử từ năm 1968. Kể từ năm 2006 Nhà trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử và Tin học công nghiệp (theo hướng thiết kế IC tương tự, đóng gói kiểm thử), thuộc ngành Kỹ thuật điện tử-viễn thông.

Đến năm 2024 bắt đầu mở và tuyển sinh ngành Kỹ thuật máy tính (theo hướng thiết kế IC số, đóng gói kiểm thử), đây là ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tổng số sinh viên của các ngành liên quan trực tiếp đến công nghệ bán dẫn (Kỹ thuật điện tử-viễn thông và Kỹ thuật máy tính) tuyển sinh hàng năm là 250 sinh viên. Bậc sau đại học thạc sĩ Kỹ thuật điện tử, Tiến sĩ Kỹ thuật điện tử với khoảng 10 học viên và nghiên cứu sinh, đa số đều làm luận văn, luận án liên quan đến IC bán dẫn.

 Lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải mục sở thị thiết bị điện tử và phần mềm thiết kế vi mạch.

Lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải mục sở thị thiết bị điện tử và phần mềm thiết kế vi mạch.

Đến nay, tổng số sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật điện tử và tin học công nghiệp tốt nghiệp đã hơn 1.000 em. Hiện, có 16 giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy; trong đó trình độ tiến sĩ trở lên chiếm trên 60%, đều được đào tạo bài bản trong và ngoài nước.

Trường ĐH Giao thông vận tải có chính sách động viên khuyến khích giảng viên, nhất là giảng viên chuyên môn về mảng vi mạch bán dẫn đi học tập nâng cao trình độ.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-dh-giao-thong-van-tai-nhan-tai-tro-thiet-bi-dien-tu-va-phan-mem-thiet-ke-vi-mach-post716255.html