Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên làm gì để thu hút giảng viên trình độ cao?

Báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của nhóm ngành I (ngành Sư phạm công nghệ) là 43%.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại báo cáo ba công khai của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, những năm gần đây, nhà trường tăng số giảng viên cơ hữu có trình độ phó giáo sư, tiến sĩ; mức học phí sau đại học của nhà trường trong năm học 2023-2024 giảm khá nhiều so với hệ đào tạo đại học chính quy, hệ đại học vừa học vừa làm; và tỷ lệ sinh viên ngành Sư phạm công nghệ có việc làm sau một năm tốt nghiệp khá thấp so với những ngành còn lại.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có những chia sẻ với phóng viên về những nội dung trên.

Nhiều cơ chế thu hút giảng viên có trình độ cao nhưng tuyển được ít hơn nhu cầu

Trong báo cáo ba công khai năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024 cho thấy, số giảng viên cơ hữu có trình độ phó giáo sư tăng dần theo các năm là 7-8-12; số lượng giảng viên tiến sĩ tăng là 112-126-129.

Số giảng viên cơ hữu tại báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. (Ảnh: cắt màn hình)

Chia sẻ về nội dung trên, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, để thu hút, tăng trình độ của đội ngũ giảng viên, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã có một số cơ chế và chính sách.

Cụ thể, nhà trường cử nhiều lượt cán bộ/giảng viên đi học tập nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và ngoài nước.

"Số giảng viên cơ hữu của nhà trường bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở trong và ngoài nước tăng dần theo các năm gần đây", thầy Tuấn chia sẻ.

Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết thêm, bên cạnh đó, nhà trường hằng năm đều có cơ chế thu hút, tuyển dụng cán bộ/giảng viên theo các đợt công khai, đúng quy định.

Ngoài ra, nhà trường có chế độ ưu đãi các tiến sĩ trẻ như, tạo điều kiện tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Tỉnh, giao nhiệm vụ và đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp trường để tăng các bài báo quốc tế ( ISI/Scopus ).

Biểu đồ cơ cấu trình độ giảng viên cơ hữu trong ba năm học vừa qua theo số liệu nhà trường cung cấp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hằng năm, số lượng giảng viên cơ hữu của nhà trường được Hội đồng giáo sư nhà nước xét và công nhận phó giáo sư cũng theo đó được tăng lên, bổ sung vào sự phát triển đội ngũ giảng viên có học hàm giáo sư/phó giáo sư.

Theo như số liệu giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cung cấp, trong nhiều năm qua, nhà trường chưa có giảng viên trình độ giáo sư.

Chia sẻ về nội dung này, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, bảng số liệu trên là số giảng viên cơ hữu của nhà trường, chưa tính đội ngũ giảng viên thỉnh giảng.

Hiện tại, nhà trường có 1 giáo sư thỉnh giảng là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang tham gia giảng dạy sau đại học của Khoa Cơ Khí, và là Chủ tịch hội đồng Khoa học đào tạo của nhà trường.

Trong những năm gần đây, cách tính chỉ tiêu tuyển sinh với các giảng viên thỉnh giảng có hệ số thấp hơn rất nhiều so với giảng viên cơ hữu (chỉ tiêu của giảng viên thỉnh giảng theo theo thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT và thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT chỉ được tính hệ số bằng 0.2 so với giảng viên cơ hữu khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh).

Từ đó, nhà trường xác định tầm quan trọng của việc phát triển nội tại đội ngũ giảng viên có trình độ cao là giáo sư/phó giáo sư/tiến sĩ, nên đội ngũ thỉnh giảng có trình độ giáo sư vẫn giữ nguyên trong nhiều năm.

Chia sẻ về cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên, thầy Tuấn cho hay, hiện nay lãnh đạo nhà trường đã định hướng xây dựng chính sách thu hút tuyển dụng đối với đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao với chế độ đãi ngộ như: Hỗ trợ 200 triệu đồng đối với giảng viên có chức danh giáo sư; Hỗ trợ 150 triệu đồng đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư và hỗ trợ 100 triệu đồng đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Bên cạnh đó, nhà trường hỗ trợ phương tiện đưa đón hai chiều đối với cán bộ, giảng viên đến trường giảng dạy, làm việc hàng ngày giữa các cơ sở của Trường theo các lộ trình: Hà Nội - Cơ sở Mỹ Hào - Trụ sở chính Khoái Châu; Trụ sở chính Khoái Châu - Cơ sở Mỹ Hào; Trụ sở chính Khoái Châu - Cơ sở Mỹ Hào - Cơ sở Hải Dương.

Nhà trường còn có chính sách hỗ trợ bằng một khoản tiền hằng tháng đối với giảng viên có bằng tiến sĩ trở lên theo quy chế nội bộ ngoài chế độ lương, phụ cấp và hệ số thu nhập tăng thêm theo quy định chung trong toàn trường.

"Tuy nhiên, số lượng đội ngũ tuyển dụng được của Trường luôn đạt kết quả ít hơn so với nhu cầu, nhất là với đội ngũ giảng viên có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ", thầy Tuấn nói.

Một trong những nguyên nhân khiến trường gặp khó trong việc thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao, theo thầy Tuấn, do đặc điểm vị trí địa lý của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đặt trên địa bàn xa trung tâm Thủ đô nên việc đi lại mất nhiều thời gian hơn so với các trường đại học lớn đặt trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

"Hướng tới tự chủ hoàn toàn theo lộ trình tới năm 2026, nhà trường sẽ tiếp tục thu hút các giảng viên có trình độ cao về làm giảng viên cơ hữu của nhà trường theo đúng luật.

Đồng thời, nhà trường tiếp tục tạo điều kiện để các giảng viên phát triển nâng cao trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, nhằm góp phần vào phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao trong giảng dạy, nghiên cứu", thầy Tuấn chia sẻ.

Trường lý giải về mức thu học phí có xu hướng giảm

Tại báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, mức thu học phí các hệ đào tạo sau đại học tiến sĩ, thạc sĩ và hệ đại học chính quy, hệ đại học vừa học vừa làm đều giảm so với năm học 2022-2023, 2021-2022.

Mức học phí các hệ đào tạo tại năm học 2023-2024 của nhà trường. (Ảnh: cắt màn hình)

Với đào tạo sau đại học, năm học 2022-2023 mức học phí đào tạo hệ tiến sĩ là 36,25 triệu đồng/năm học, năm 2023-2024 mức phí của hệ đào tạo này là 29,25 (giảm 7 triệu đồng/năm học). Tương tự, hệ thạc sĩ giảm 3,3-4 triệu đồng/năm học tùy ngành học.

Còn với hệ đại học có mức giảm học phí ít hơn. Cụ thể, năm học 2022-2023 khối ngành có mức học phí cao nhất là 14,5 triệu đồng/năm học, đến năm 2023-2024 giảm xuống còn 14,04 triệu đồng/năm học.

Trả lời về việc giảm học phí hệ sau đại học, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho hay, thời điểm báo cáo ba công khai 28/06/2022, mức học phí dự kiến theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP được áp dụng cho năm học 2022-2023.

Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19,nên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ có chỉ đạo không tăng học phí như Nghị định số 81 và vẫn giữ nguyên như năm học trước nên nhà trường đã ban hành Quyết định số 1478/QĐ-ĐHSPKTHY ngày 30/08/2022 về mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức thu năm học 2021-2022. Nhà trường đã cập nhật thông tin ngày 5/09/2022 theo mức học phí ban hành.

Bảng học phí các hệ đào tạo trong ba năm học gần đây. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

"Tiếp đó, do tuyển sinh vừa học vừa làm, sau đại học gặp khó khăn chung nên nhà trường giảm học phí để thu hút đào tạo sau đại học.

Điều này cũng nhằm tạo cơ hội cho các giảng viên của Trường được tham gia giảng dạy, hướng dẫn sau đại học (đây là những điều kiện bắt buộc khi xét hồ sơ ứng viên giáo sư/phó giáo sư của Hội đồng giáo sư nhà nước)", thầy Tuấn thông tin.

Tỷ lệ có việc làm của sinh viên nhóm ngành I chỉ đạt 43% là do trường thống kê sai

Báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của nhóm ngành I (ngành Sư phạm công nghệ) là 43%.

Trả lời nội dung trên, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, nguyên nhân của tỷ lệ có việc làm của khối ngành I (ngành Sư phạm công nghệ) thấp như vậy (chỉ đạt 43%) là do nhà trường đã thống kê số liệu trong báo cáo Ba công khai có sự nhầm lẫn, tỷ lệ sinh viên có việc làm của khối ngành I thực tế là 100%.

Trong báo cáo Ba công khai, nhà trường đã tính tỷ lệ có việc làm (bằng số lượng có việc trên tổng số lượng sinh viên cả hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm) nhưng thực tế sinh viên hệ vừa học vừa làm không phải thực hiện khảo sát.

Nhà trường cung cấp lại số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm như bảng tính dưới đây.

Theo số liệu thống kê lại của nhà trường cung cấp, tỷ lệ sinh viên ngành Sư phạm công nghệ thực tế đạt 100% có việc làm. (Ảnh: cắt màn hình)

Ngành Sư phạm công nghệ khó tuyển sinh

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 2.690, số sinh viên nhập học là 2.395. Đến năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.020 và số sinh viên nhập học là 2.042 (chỉ đạt 67,6%).

Trong hai năm qua, ngành Sư phạm công nghệ có chỉ tiêu tuyển sinh là 120 nhưng số sinh viên nhập học năm 2022 chỉ có 8 chỉ tiêu, năm 2023 chỉ có 5 chỉ tiêu nhập học.

Trước câu hỏi của phóng viên, vậy việc đào tạo đối với sinh viên học ngành học này, nhà trường có gặp khó khăn gì, thầy Tuấn cho hay, quá trình đào tạo sinh viên ngành này những năm qua về cơ bản không gặp khó khăn gì.

"Số lượng sinh viên ngành Sư phạm công nghệ nhập học thấp là do thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về đào tạo sinh viên sư phạm, nhà trường không nhận được đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ của các địa phương. Do đó, mặc dù chỉ tiêu ngành này ít nhưng rất khó tuyển sinh", thầy Tuấn chia sẻ.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-su-pham-ky-thuat-hung-yen-lam-gi-de-thu-hut-giang-vien-trinh-do-cao-post241899.gd