Trương Gia Giới - tiên cảnh nơi trần thế

Cách đây 15 năm, bộ phim 'Avatar' của đạo diễn người Mỹ James Cameron ra đời đã tạo nên một 'cơn địa chấn' trên toàn cầu không chỉ bởi lần đầu tiên một bộ phim với công nghệ 3D được ra mắt mà còn bởi khung cảnh ngoạn mục siêu thực trong phim.

Và đến nay, sức hút từ điểm đến Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) - bối cảnh chính trong phim, vẫn chưa hạ nhiệt.

Khung cảnh mê hoặc ở Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới.

Khung cảnh mê hoặc ở Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới.

“Bức tranh thủy mặc” khổng lồ

Nằm ở phía tây bắc tỉnh Hồ Nam, thành phố Trương Gia Giới nổi tiếng với Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới, nơi có khu “rừng đá” với các cột sa thạch dựng đứng như bay lên bầu trời, tạo nên một cảnh quan siêu thực. Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới bao gồm các địa danh: Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên đã được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 1992; Khu thắng cảnh Thiên Môn Sơn, Khu thắng cảnh Đại Hiệp Cốc, hồ Bảo Phong, động Hoàng Long... Trương Gia Giới có hơn 300 điểm thắng cảnh, 33 khu thắng cảnh cấp A quốc gia trong đó có 2 khu thắng cảnh cấp 5A cùng 11 khu thắng cảnh cấp 4A. Người Trung Quốc ví Trương Gia Giới như một "bức tranh thủy mặc khổng lồ" được vẽ bởi 3.000 “cây bút” là những ngọn núi sa thạch cao chót vót, còn mực vẽ là 800 dòng sông tuyệt đẹp tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ khó nơi nào trên thế giới sánh bằng.

Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên là điểm đến thu hút hàng đầu trong Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới. Nơi đây còn lưu lại những dấu tích của quá trình tiến hóa địa chất, biển và lục địa đan xen từ 380 triệu năm trước, tạo nên hơn 3.000 cột sa thạch làm nên “thương hiệu” Trương Gia Giới. Để tham quan Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên, du khách nên đến đài quan sát có tên là “Sân khấu mê hoặc” nằm ở rìa một vách đá. Từ đây có thể nhìn thấy vô số cột đá “mọc” từ dưới các thung lũng sâu thẳm và vươn lên tới biển mây. Sau mỗi cơn mưa, những đám mây như lớp bông trắng bao phủ các ngọn núi tạo nên một khung cảnh đầy mê hoặc.

Nổi tiếng không kém là dãy Thiên Tử với 5 ngọn núi nằm sát nhau được ví như 5 ngón tay Phật tổ. Các tín đồ phim “Tây du ký” chắc chắn không quên hình ảnh Tôn Ngộ Không bị nhốt trong bàn tay đức Phật, chính là 5 ngọn núi này. Đây cũng là một trong những bối cảnh ấn tượng nhất trong phim "Avatar". Sau khi bộ phim gây tiếng vang toàn cầu, ngọn núi này còn có thêm tên gọi khác là núi “Avatar Hallelujah”. Cái tên này đã kích thích trí tò mò, thu hút hàng chục triệu khách du lịch đến Trương Gia Giới mỗi năm. Để lên được đỉnh núi, du khách có thể di chuyển bằng thang máy hoặc đi cáp treo. Nếu đủ kiện nhẫn để xếp hàng 1 - 2 giờ đồng hồ, du khách đừng nên bỏ phí cơ hội đi thang máy Bách Long đã xác lập kỷ lục Guinness là Thang máy ngoài trời nhanh nhất và cao nhất thế giới vào năm 2015. Chỉ mất chưa đầy 2 phút, du khách đã lên tới đỉnh núi cao 330m. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên cùng Khu thắng cảnh Thiên Môn Sơn cách đó không xa.

Thiên Môn Sơn là tên ngọn núi cao 1.519m, được coi là “linh hồn” của Trương Gia Giới. Nơi đây có một vòm đá thủng như cánh cửa mở lên trời nên được gọi là “cổng Thiên đường” quanh năm “nuốt mây nhả sương”, hấp thu linh khí của trời đất. Du khách có thể đi cáp treo xuyên qua các đỉnh núi và thung lũng; đi trên cây cầu kính trong suốt để trải nghiệm cảm giác bước qua vực thẳm hay giẫm trên những đám mây bồng bềnh; sau đó ghé thăm chùa Thiên Môn Sơn và chứng kiến những nghi lễ Phật giáo.

Một địa điểm khác du khách không nên bỏ qua là Khu thắng cảnh Đại Hiệp Cốc, nơi có cây cầu kính Trương Gia Giới dài nhất thế giới (430m) bắc qua hẻm Núi Lớn sâu 300m. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động như đi bộ trên cây cầu đáy kính, nhảy bungee, khám phá thung lũng “Một dải bầu trời” chỉ vừa một người đi hay bước trên “thang trời” - một lối đi bằng gỗ với các bậc thang được xếp dọc theo những vách đá dốc.

Hòa mình vào nhịp sống bản địa

Đến với Trương Gia Giới, du khách không chỉ đắm mình trong không khí trong lành cùng phong cảnh tựa chốn bồng lai, mà còn được hòa mình vào những phong tục tập quán bản địa đa dạng. Trương Gia Giới là nơi sinh sống của các dân tộc Hán, Thổ Gia, Bạch, Miêu... Nơi đây hiện còn bảo tồn 818 hạng mục trong 10 loại di sản văn hóa phi vật thể lớn như dân ca Tang Trực, múa trống trận Tang Trực, kịch tuồng Trương Gia Giới...

Một trải nghiệm hấp dẫn là Chương trình nghệ thuật “Trương Gia Giới - Tương Tây quyến rũ” diễn ra vào các buổi tối tại Quảng trường Văn hóa quốc tế Trương Gia Giới - Tương Tây nằm ở Điểm ngắm cảnh Vũ Lăng Nguyên. Chương trình này được xây dựng cách đây 18 năm, nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong những trải nghiệm của du khách khi đến với Trương Gia Giới.

Đặc sắc hơn cả phải kể tới Chương trình nhạc kịch thực cảnh kết hợp công nghệ “Thiên Môn Hồ tiên” tại sân khấu ngoài trời dưới chân núi Thiên Môn có sức chứa lên tới 2.800 chỗ ngồi. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hàng trăm diễn viên, ca sĩ trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống cùng các hiệu ứng công nghệ hiện đại đã làm tôn lên vẻ đẹp của danh thắng núi Thiên Môn, khiến cho “Thiên Môn Hồ tiên” trở thành một chương trình ngoài trời vô song và là một trong những điển hình của ngành Công nghiệp văn hóa quốc gia ở Trung Quốc.

Vào buổi tối, du khách hãy dành thời gian đi dạo phố cổ Khê Bố. Đây là một khu phố thương mại, du lịch và văn hóa của dân tộc Thổ Gia. Tại đây có các con phố chuyên bán đồ ăn nhẹ địa phương, đồ lưu niệm văn hóa dân gian và các quán bar phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của du khách. Bạn hãy lựa chọn một hàng bán thịt nướng đường phố và thưởng thức cùng bia địa phương như một người dân bản địa, để cảm nhận rõ nhịp sống yên bình của vùng đất này.

Bảo Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/truong-gia-gioi-tien-canh-noi-tran-the-676641.html