Trường học hạnh phúc: Giấc mơ và ước nguyện, Kỳ 4: Giờ học ở ngôi trường hạnh phúc
Vừa đến hành lang lớp học của Trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội), nhóm học sinh đã ào đến quây lấy cô Nguyễn Thảo Trang. Tiết học giữa sáng hôm nay là môn Lịch sử vốn dĩ được cho khô, khó nhưng giờ học với cô Trang như được hóa phép, cô trò liên tục hoạt động, cười vui. Nhờ đó, giờ học 45 phút trôi qua nhanh chóng.
Không tạo khoảng cách thầy - trò
Lớp 8A1 sĩ số 21 học sinh được chia làm 3 nhóm ồn ào, sôi động tiếng cười nói vì có nhiều hoạt động liên tục trong giờ học.
Cô Nguyễn Thảo Trang bắt đầu bài Lịch sử bằng phần khởi động, các thành viên trong nhóm có 5 phút để mô tả kiến thức bài học do các em tự đọc sách vở, internet sau đó lên thuyết trình. Cô Trang nhanh nhẹn đi lại giữa các nhóm khích lệ học sinh “nói thêm nữa”. Sau đó, cô giáo phát phiếu học tập gồm nội dung cốt lõi mà khi nhìn vào, học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Để củng cố kiến thức vừa học, cô trò sử dụng phần mềm Plickers tổ chức hoạt động chơi mà học với hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm có thưởng. Với mỗi câu hỏi đưa ra có 4 đáp án, học sinh chọn đáp án đúng và giơ mã thẻ được phát trước đó. Cô Trang cầm điện thoại quét thẻ từng học sinh, lập tức phần mềm hiện ra kết quả bao nhiêu em trả lời đúng, bao nhiêu em trả lời sai. Với cách làm đó, cô giáo có thể biết được học sinh đã nắm được kiến thức hay chưa từ đó khái quát lại nội dung bài học giúp các em nắm chắc kiến thức.
Em Phạm Mai Anh, học sinh lớp 8A1 chia sẻ, qua các hoạt động vui học, em không còn cảm giác sợ hay ngại môn học, ngược lại còn thích thú, hào hứng tiếp nhận kiến thức. Trước khi học, em cũng thường tìm hiểu thêm kiến thức qua mạng internet để có hiểu biết sâu hơn, bổ sung vào nội dung bài trên lớp.
Nhà Mai Anh gần trường nên mỗi sáng thức dậy, em tự ăn sáng và đi bộ đến trường. Nhiều bạn khác cũng như Mai Anh, đi bộ hoặc tự đạp xe đạp đến xếp từng hàng gọn ghẽ ở một góc sân trường. Với Mai Anh, ngôi trường THCS Phúc Xá nhỏ nhắn nằm nép mình khiêm tốn giữa khu vực dân cư nhưng thân thương, gắn bó với em đến nay là năm thứ 3. Trong chừng đó năm học tập chưa từng có vụ việc bạo lực học đường. “Em rất yêu quý, kính trọng thầy cô và bạn bè. Nơi đây, thực sự là ngôi nhà thứ 2, chúng em được vui đùa, học tập. Để rồi mai đây, dù có đi đâu, mái trường là nơi ghi dấu những năm tháng tuổi học trò đẹp đẽ”, Mai Anh nói.
Cô Nguyễn Thảo Trang, giáo viên trẻ tuổi, giỏi chuyên môn được giao phụ trách bộ môn Lịch sử của trường. Quan điểm của cô Trang là làm sao khuyến khích được càng nhiều học sinh thể hiện năng lực cá nhân càng tốt. Em có kỹ năng thuyết trình, em có năng lực hợp tác, em có kiến thức sâu rộng… và giáo viên là người đẩy các điểm mạnh của từng học sinh lên. Trước mỗi giờ học, cô cũng không soi danh sách học sinh để gọi tên hỏi bài cũ mà củng cố kiến thức bài cũ bằng cách thông qua phần khởi động, đan xen các câu hỏi khiến học sinh hào hứng trả lời. Các em không bị áp lực, không có cảm giác bị hỏi bài.
Cô giáo trẻ tâm niệm, hạnh phúc của người làm nghề không có điều gì đao to búa lớn mà trước hết đến lớp phải có tâm thế vui vẻ, tích cực. Khi đó, cô mới truyền được năng lượng tích cực đó cho học sinh, thúc đẩy các em học tập. Cuộc sống đời thường bộn bề, không tránh khỏi trăm nỗi lo toan, cực nhọc nhưng cách của cô Trang là mỗi sáng bước ra khỏi nhà, hít một hơi thật sâu. “Lên xe, tự nhẩm một bài hát mình yêu thích. Hay vừa đến cổng trường, gặp học sinh chào cô rõ to, khen cô xinh thế là vui cả ngày”, cô nói.
Hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt
Trường THCS Phúc Xá là một trong số ít trường của quận Ba Đình theo đuổi dự án xây dựng trường học hạnh phúc từ năm học 2023-2024.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, ngôi trường chỉ có diện tích khiêm tốn gần 1.300 mét vuông với 15 phòng học, thiếu nhiều phòng chức năng lẫn bếp ăn bán trú cho học sinh. Do đó, học sinh ở đây học 1 buổi/ngày. Và khoảng sân chừng 600 mét giữa trường vừa là nơi cô trò tổ chức chào cờ hằng tuần, vừa là nơi các em học thể dục thể thao. So với nhiều trường có điều kiện cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, Trường THCS Phúc Xá thua xa nhưng vẫn quyết xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.
Theo bà Dung, khi Hà Nội chưa có bộ tiêu chí để áp cho các trường thực hiện nên hiện nay nhà trường sử dụng 22 tiêu chí của UNESCO. Không đáp ứng được tất cả các tiêu chí nên cơ sở giáo dục này thực hiện có lộ trình từng bước, trong đó ban đầu lấy giá trị cốt lõi là thái độ của thầy cô, tăng cường hoạt động mở cho học sinh. Nhà trường quan niệm, hạnh phúc là làm sao tạo được môi trường để thầy cô vui vẻ, thoải mái sáng tạo dạy học. Khi có được điều đó, thầy cô sẽ càng có nhiệt huyết, làm được nhiều điều tích cực cho học sinh. Đối với học sinh, trường tổ chức nhiều hoạt động, tạo các sân chơi ngoài học tập để các em có “sân” thể hiện năng lực cá nhân riêng biệt. Không cứ phải giỏi Toán, Văn mới là học sinh giỏi.
Thuận lợi của trường là có đội ngũ có tới 40% giáo viên giỏi cấp quận trở lên và sĩ số học sinh/lớp thấp. Toàn trường chỉ có 342 em, chia 15 lớp, mỗi lớp chừng 20-25 học sinh. Đó là sĩ số lý tưởng để giáo viên có thể quan tâm sâu sát đến từng cá nhân. Trong lớp, hễ học sinh nào có biểu hiện vui buồn thầy cô đều sớm nhận biết. Từ cô làm công tác văn phòng cũng thuộc tên, ghi nhớ hoàn cảnh nhiều em. Tuy nhiên, học sinh ở khu vực vùng ven có những đặc thù riêng, 10% em hoàn cảnh khó khăn như: bố mẹ li hôn, bố mẹ bỏ đi, con ở với ông bà, thậm chí có em bố mẹ đi làm ăn xa phải ở một mình. Nhiều học sinh thiệt thòi nhưng có ý thức học tập, thầy cô thấu hiểu và thương các em hơn. Riêng phòng cô hiệu phó lúc nào cũng mở cửa chào đón học sinh, không để biển hiệu tạo khoảng cách với các em.
Mỗi ngày với cô hiệu phó thường bắt đầu bằng việc đến trường thật sớm và đi một vòng kiểm tra nhà vệ sinh, phòng học có đảm bảo an toàn, sạch sẽ hay không. Nhắc giáo viên rèn học sinh từ những điều nhỏ nhặt như: chào bác bảo vệ, thầy cô, nhân viên trong trường học. Khi dần quen, các em chào rít rít như chim ngoan và đáng yêu. Trong trường, học sinh không được nói tục, chửi bậy. Dù xây dựng trường học hạnh phúc nhưng trong bối cảnh chung, bà Dung cũng thừa nhận nhiều vướng vấp, khó khăn. Ví dụ như chuyện bạo lực học đường có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Rời trường học, các em chịu tác động từ gia đình, xã hội nên có những nhận thức, hành vi khác nhau. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì dạy kiến thức, lẽ phải, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa để học sinh vui vẻ, có sự gắn kết lẫn nhau, từ đó thêm yêu trường lớp.
Chữa bệnh thành tích, cởi bỏ áp lực học tập cho học sinh cũng là vấn đề khó vì trường học, thầy cô cũng cần được ghi nhận sự hỗ trợ sau cả năm học. Thế nhưng bà Dung nói rằng, nơi đây giáo viên không áp một mục tiêu chung cho học sinh mỗi lớp mà chia nhóm năng lực để dạy và kỳ vọng. Ví dụ em ở nhóm trung bình chỉ đặt mục tiêu hết kỳ học, năm học vươn lên nhóm khá, em khá vươn lên nhóm giỏi. Với cách làm đó, tất cả học sinh không cảm thấy quá áp lực trong học tập. Và trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quận vừa qua, học sinh của khối 9 chiếm 11% đạt giải các môn, hơn 80% học sinh đỗ lớp 10 THPT công lập. Đó là kết quả ấn tượng.
Bà Dung cho rằng, dù nhà trường đã vẽ ngôi trường trong mơ, ngôi trường hạnh phúc trên nền thực tế nhiều cái khó nhưng vẫn giữ niềm tin sẽ làm được, đạt được. Trước khi thực hiện, ngôi trường đã mang dáng dấp, hình hài của trường học hạnh phúc bởi ở đây thầy cô, học sinh luôn yêu thương nhau.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, năm học 2022-2023 quận thí điểm triển khai dự án trường học hạnh phúc với sự giúp đỡ của chuyên gia đến nay có 7 trường tiểu học, THCS tham gia. Mục tiêu của dự án là nhằm đào tạo giáo viên hiểu và thực hành các kỹ năng, từng bước vượt qua bản thân để thay đổi nhận thức, hiểu được vai trò của giáo viên hạnh phúc sẽ tác động mạnh mẽ đến học sinh; phụ huynh và đồng nghiệp. Từ đó tạo môi trường an toàn, tin cậy trong giáo dục.