Trường học hay Trường đời?
Tôi thuộc thế hệ 7X. Thời chúng tôi, ai học giỏi nhất thường được giữ lại trường đại học làm giảng viên. Đây là những bạn thực sự xuất sắc, là mẫu hình của sinh viên toàn trường. Được ở lại trường làm giảng viên đại học là mơ ước của đa phần sinh viên chúng tôi thời bấy giờ.
Thời gian gần đây, do yêu cầu công việc, tôi gặp lại khá nhiều bạn bè được giữ lại trường làm giảng viên. Ở tuổi ngoài 40, một số người đã lên làm lãnh đạo quản lý cấp Phòng/Khoa, nhưng nhiều bạn chỉ là giảng viên thường. Một số người có thu nhập tốt (có doanh nghiệp riêng, tham gia tư vấn cho doanh nghiệp, dạy thêm ngoài trường ...), trong khi có nhiều người vẫn chỉ sống nhờ vào lương hằng tháng và tiền dạy vượt giờ. Một số người say sưa nói về các dự án dự định tại ngôi trường mình đang công tác, một số người chỉ ngồi than thở cơ chế, môi trường làm việc...
Tôi có một đối tác và cũng là một người em thân thiết lấy khẩu hiệu: Học hỏi, sáng tạo và đổi mới không ngừng làm phương châm sống và làm việc. Cậu em này nói là làm chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu cho vui, làm “màu” trên mạng xã hội. Chính cậu đã động viên tôi đi học thêm rất nhiều kiến thức về quản trị, lãnh đạo, nhân sự, bán hàng, marketing, facebook... Đi học đủ thứ mới phát hiện ra rằng học tập không có điểm dừng. Tốt nghiệp đại học chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình học tập không ngừng nghỉ. Nếu dừng lại và an phận thì dù có là thủ khoa đầu ra đại học thì chỉ sau một thời gian ngắn là trở thành lạc hậu. Những gì học tập được ở trường lớp chính quy chỉ chiếm 10% kiến thức của mỗi người. 20% kiến thức còn lại đến từ các tương tác với xã hội. 70% kiến thức đến từ trải nghiệm. Như vậy, trường đời đóng góp kiến thức cho mỗi chúng ta nhiều hơn trường học (90%). Công thức 10:20:70 cũng giải thích cho nhiều hiện tượng mà chúng ta đã từng tốn rất nhiều giấy mực: Cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng trong khi doanh nghiệp đỏ mắt tìm nhân sự; Nhiều bạn học giỏi ở đại học nhưng không vào đời thành công...
Công thức 10:20:70 ở trên đã được thế giới tổng kết lại và được TS Alok Bharadwaj (Nguyên Phó Chủ tịch cao cấp, phụ trách chiến lược của Canon châu Á; Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á) phân tích rất hay trong cuốn sách "Xây dựng và vận hành hệ thống quản trị nhân sự hiện đại", do tôi biên soạn, được trường doanh nhân HBR phát hành tại Việt Nam vào cuối tháng 8/2019. Tuy nhiên, với các bạn tân sinh viên, tôi xin giải thích rõ hơn để các bạn không hiểu sai về việc học đại học: 10% kiến thức từ đào tạo trường lớp chính quy tuy nhỏ nhưng là cơ sở để mình có 20% và 70% sau đó, nên trước tiên phải học tập ở trường cho tốt. Sau đó mới tính đến quan hệ xã hội, bạn bè (20%). Bước thứ hai là cơ sở cho bước thứ ba: Trải nghiệm thực tế trong công việc cụ thể. Chúc các bạn thành công!
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-goc-nhin/truong-hoc-hay-truong-doi-1634578.tpo