Trường học tổ chức hoạt động bán trú, dạy kỹ năng sống… có phải đấu thầu?

Hiện nay nhiều trường học tại TP.HCM đang băn khoăn trước thông tin các khoản thu của trường như hoạt động bán trú, dạy kỹ năng sống sẽ phải tổ chức đấu thầu?

Thông tin trên được ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp chia sẻ tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP vào chiều nay, ngày 7-8.

 Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết nếu hoạt động bán trú cho đến các hoạt động khác có khoản thu phải tổ chức đấu thấu sẽ gây khó khăn cho nhà trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết nếu hoạt động bán trú cho đến các hoạt động khác có khoản thu phải tổ chức đấu thấu sẽ gây khó khăn cho nhà trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chiều 7-8, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM có buổi làm việc với UBND quận Gò vấp về công tác chuẩn bị cho năm học mới.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, Điều 2 của Luật Đấu thầu 2023 nêu rõ luật này áp dụng đối với tất cả đơn vị sự nghiệp công lập, có nguồn thu hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thông tin tôi nắm được, tại các lớp tập huấn về Luật Đấu thầu mới do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, giảng viên khi trao đổi về vấn đề trên đều yêu cầu các trường phải thực hiện đấu thầu. Điều này có thể hiểu rằng, tất cả các khoản thu của nhà trường từ hoạt động bán trú cho đến chương trình nhà trường ngoài chương trình Bộ GD&ĐT như dạy kỹ năng sống, dạy bản ngữ... đều thực hiện đấu thầu” - ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, nếu phải đấu thầu hoạt động bán trú và các hoạt động khác sẽ gây khó khăn cho trường. Hiện các trường rất hoang mang và lo lắng. Bởi vì việc tổ chức đấu thầu có thể dẫn đến đơn vị trúng thầu vì có giá thấp nhưng khi thực hiện không đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, nhà trường phải tổ chức đấu thầu khi các hoạt động thu chưa diễn ra (chưa có tiền thực trong tài khoản). Thực tế, muốn tổ chức đầu thầu hoạt động bán trú, phải có khoản thu từ phụ huynh. Muốn thu tiền từ phụ huynh phải thực hiện quy trình ban hành văn bản, thỏa thuận với phụ huynh. Nếu làm theo đúng quy trình như vậy thì đến tháng 11, tháng 12 mới xong. Như vậy sẽ dấn đến toàn bộ hoạt động bán trú, toàn bộ dạy buổi 2 trong nhà trường ngoài chương trình của Bộ GD&ĐT phải đóng băng hết tất cả vì chưa đấu thầu.

 Bữa ăn bán trú của các bé Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bữa ăn bán trú của các bé Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ngoài ra, khi tổ chức đấu thầu sẽ phát sinh các chi phí như chi phí tư vấn lập hồ sơ mời thầu, chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, các chi phí này chưa có hướng dẫn cụ thể chi từ nguồn nào.

“Tuy nhiên, vấn đề đáng nói đến thời điểm này chưa có văn bản nào của Sở GD&ĐT hoặc Sở KH&ĐT nêu rõ có tổ chức đấu thầu hay không thực hiện đấu thầu các khoản thu trên trong khi năm học mới đang cận kề” - ông Thanh nói.

Một vấn đề khác được ông Thanh đề cập tại buổi làm việc là việc hoạt động bán trú trong đó suất ăn bán trú cũng phải đóng thuế.

“Theo công văn số 4687 ngày 25-8-2024 của Sở GD&ĐT, việc tổ chức bếp ăn bán trú trong nhà trường là hoạt động hỗ trợ, phục vụ không vì mục đích kinh doanh. Nhà trường đã đóng 2% thuế thu nhập doanh nghiệp trên khoản tiền thu phục vụ bán trú (chi cho những người nấu ăn); nhà cung cấp thực phẩm cũng đã thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, hoạt động bếp ăn bán trú của các trường là hoạt động kinh doanh nên vẫn phải đóng thuế/tiền suất ăn của học sinh. Chính điều này gây ra khó khăn khi thực hiện vì tiền suất ăn được dùng chi hết cho tiền ăn của học sinh” - ông Thanh chia sẻ.

Từ thực tế trên ông Thanh kiến nghị, hoạt động của bếp ăn bán trú là hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của học sinh, đề nghị HĐND, UBND TP xem xét việc khoản thu tiền suất ăn của học sinh không phải đóng thuế; xem xét sớm trả lời dứt điểm vấn đề này đóng hay không phải đóng thuế. Bởi vì nếu đóng, phải thu từ đầu năm học chứ không thể thực hiện giữa chừng, rất khó cho các trường.

Bên cạnh đó, ông Thanh đề nghị Sở KH&ĐT, Sở GD&ĐT TP.HCM sớm có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc tổ chức đấu thầu các hoạt động mua sắm từ tất cả các khoản thu của nhà trường để các đơn vị thực hiện đúng quy định, giúp các trường giải quyết khó khăn.

Trước đó, tại các buổi tập huấn cho các hiệu trưởng về Luật Đấu thầu mới do Sở Kế hoạch Đầu tư tổ chức, các giảng viên đều đề cập đến việc các hoạt động trong nhà trường trong đó có hoạt động bán trú phải tổ chức đấu thầu.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM cho biết liên quan đến việc phải đấu thầu các hoạt động trong nhà trường đề nghị đại diện Sở GD&ĐT tham dự buổi họp phải trao đổi ngay với Phòng Kế hoạch tài chính của Sở GD&ĐT để làm rõ.

Theo ông Bình, nếu các khoản thu trong nhà trường đều phải tổ chức đấu thầu sẽ rất khó. Bởi đầu năm học, sau khi có các khoản thu chi, trường mới bắt đầu thông báo để phụ huynh nộp và thực hiện. Nếu thực hiện đấu thầu phải trải qua một quy trình mất rất nhiều thời gian, có khi mất nguyên học kỳ. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu cũng khá phức tạp. Do đó vấn đề này cần phải làm rõ.

Hiệu trưởng một Trường THCS ở quận nội thành thắc mắc: "Như quy mô của trường tôi khoảng 150 triệu - 180 triệu cho mỗi năm tổ chức đấu thầu. Với doanh nghiệp thì chi phí đấu thầu này được đưa vô giá thành (chi phí sản xuất) nhưng với trường học thì lấy đâu để trả? Lấy từ người trúng thầu thì có thể phạm tội thông thầu, lấy từ ngân sách cấp chi cho hoạt động thì ảnh hưởng đến hoạt động chung của trường, kinh phí cấp về cho năm 2024 lại không có nội dung nào dành cho chi phí đấu thầu. Liệu các trường năm học mới này lấy tiền hoạt động được cấp để chi trả đấu thầu thì có đúng quy định?"

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-hoc-to-chuc-hoat-dong-ban-tru-day-ky-nang-song-co-phai-dau-thau-post804170.html