Trường học xử lý ra sao khi phát hiện F0?
Từ ngày 13-12, TP.HCM sẽ thí điểm dạy học trực tiếp đối với các lớp 1, 9, 12. Hiện các trường đã xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng chống dịch cũng như phương án xử lý F0 khi phát hiện trong môi trường học đường.
Nhằm tận dụng tối đa khoảng thời gian học trực tiếp ở các địa phương, các cơ sở đủ điều kiện về an toàn phòng chống dịch COVID-19, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Tổ chức thí điểm học trực tiếp hai tuần
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ban hành kế hoạch và quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển trạng thái hoạt động của cơ sở giáo dục trên địa bàn như sau:
Cơ sở giáo dục có cấp học THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP.HCM, các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng. Ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp trước ở những cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ Hai hằng tuần, do UBND TP.HCM công bố theo quy định.
Về giai đoạn chuẩn bị, trước ngày 5-12, trường học tổ chức họp phụ huynh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho học sinh (HS) học trực tiếp tại trường. Ngày 8-12, tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 10-12, tổ chức sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho HS khi trở lại trường học trực tiếp.
Giai đoạn từ ngày 13 đến 25-12 (hai tuần), tất cả HS lớp 1, lớp 9 và lớp 12 sẽ đến trường học tập trung. Từ tuần thứ hai sẽ là trẻ mẫu giáo năm tuổi.
Đối với huyện Cần Giờ, Trường Mầm non Thạnh An, Trường Tiểu học Thạnh An, Trường THCS - THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả khối lớp từ ngày 13-12.
Giai đoạn từ ngày 27-12 sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm hai tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Căn cứ kết quả tổ chức dạy và học sau hai tuần cùng tình hình dịch COVID-19, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND TP xem xét và quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3-1-2022.
Phát hành cẩm nang y tế phòng dịch trong trường học
Trong trường học, HS, giáo viên cần được hướng dẫn những quy tắc cơ bản để phòng chống dịch. Sở Y tế TP.HCM đã hoàn thành cẩm nang hướng dẫn cho giáo viên và HS khi đi học lại. Cẩm nang này đã được chuyển cho các sở, ngành góp ý, thống nhất. Trước khi HS đến trường học tập trung, ngành giáo dục và y tế sẽ ban hành và chuyển tải đến các trường.
Ông NGUYỄN HỮU HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Bình tĩnh khi xử lý F0
Đi học trở lại, việc xuất hiện F0 trong trường học là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, các trường đều chủ động xây dựng phương án để xử lý.
Để hạn chế sự xuất hiện F0, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cần có sự tầm soát chặt chẽ trước khi các em đến trường, sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và phụ huynh.
Nhà trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để chủ động xử lý khi xảy ra tình huống như nước rửa tay, máy đo thân nhiệt, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, phòng cách ly, khẩu trang và dụng cụ test nhanh.
“Khi xuất hiện HS ho, sốt, nhân viên y tế sẽ đưa các em xuống phòng cách ly để test nhanh. Nếu kết quả âm tính, các em sẽ ở lại một thời gian để theo dõi thêm. Ngược lại, nếu dương tính, trường sẽ báo cho phụ huynh cũng như y tế địa phương đưa các em về điều trị” - ông Phú cho biết.
Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp cũng đang chuẩn bị các phương án để đón HS đi học lại. Trong đó, nhà trường chú trọng đến vấn đề F0 xuất hiện.
Ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Trước khi HS vào trường sẽ được đo thân nhiệt. Chỉ những HS nào có biểu hiện của bệnh sẽ được đưa vào phòng cách ly để test nhanh. Nếu kết quả dương tính, trường sẽ báo với phụ huynh đưa HS về cách ly và điều trị.
“Làm sao để phát hiện F0 bởi hiện nay đa phần đều không có triệu chứng” - bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân, băn khoăn.
Theo bà Giang, để phát hiện một cách chính xác thì chỉ có cách thực hiện test nhanh để tránh lây nhiễm trong trường học. Tuy nhiên, với số lượng lớn HS, nếu thực hiện test nhanh, nhà trường lấy kinh phí từ đâu? Vấn đề này trường đang xin ý kiến từ Phòng GD&ĐT nhưng rất khó vì kinh phí đều hạn hẹp.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận 1 khẳng định: “Đã mở cửa trường học thì phải xác định sống chung với dịch. Do đó, việc xuất hiện F0 trong trường là điều đương nhiên. Hiện nay, các em đã có “hành lang an toàn” là được tiêm hai mũi vaccine. Vì thế, khi xuất hiện các F0, không thể phong tỏa toàn trường hay đóng cửa vì sẽ gây ra xáo trộn lớn. Do đó, cần bình tĩnh khoanh vùng, truy vết và chỉ xử lý những trường hợp tiếp xúc gần” - vị này nói thêm.
Cũng theo vị hiệu trưởng trên, việc phát hiện F0 qua test nhanh là cách làm phổ biến nhưng đối với môi trường học đường, khó có thể thực hiện vì tốn rất nhiều chi phí. Do đó, thay vì cố gắng tìm kiếm F0, nếu có điều kiện, trường học bổ sung các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho các em. Bên cạnh đó, HS thực hiện nghiêm quy tắc 5K. Mặt khác, phụ huynh phải thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của con và chú trọng hơn đến bữa ăn gia đình để đảm bảo dinh dưỡng, vượt qua mùa dịch” - vị này nói thêm.
Liên lạc với phụ huynh mỗi tối để nắm sức khỏe học sinh
Để môi trường học đường an toàn, quan trọng nhất là sự hợp tác của phụ huynh. Cứ 20 giờ mỗi ngày, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm sẽ tương tác với nhau để nắm tình hình sức khỏe của cả nhà.
Nếu em nào có biểu hiện sốt hoặc người nhà có triệu chứng nhiễm COVID-19 sẽ không phải đến trường trong vài ngày. Chính sự hợp tác, trung thực, chia sẻ của phụ huynh sẽ là yếu tố quan trọng để công tác phòng dịch của trường đạt hiệu quả.
Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du,
quận 10, TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-duc/truong-hoc-xu-ly-ra-sao-khi-phat-hien-f0-1031218.html