Trường hợp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Khi khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có thể tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, trong thời gian tối đa là 12 tháng.
Điều 37, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) quy định về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Doanh nghiệp có thể tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa
Theo đó, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời hạn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa 12 tháng. Hết thời hạn tạm dừng đóng, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng.
Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
Chính phủ quy định chi tiết việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với các doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh; quy định các trường hợp khác tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp phải có hồ sơ đề nghị và được cơ quan bảo hiểm xã hội phê duyệt.