Trường hợp nào không phải thông báo về tình hình tìm kiếm việc làm?
Hiện nay rất nhiều người quan tâm pháp luật quy định ra sao về việc thông báo tìm kiếm việc làm đối với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp
Về vấn đề này, Điều 10, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm 2013 như sau:
"1. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 16 ban hành kèm theo Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
2. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;
b) Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
d) Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;
đ) Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo Mẫu số 17 ban hành kèm theo Thông tư này và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.
3. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
d) Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.
4. Ngày người lao động thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm được ghi cụ thể trong phụ lục quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:
a) Ngày của tháng thứ nhất hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả;
b) Từ tháng thứ hai trở đi người lao động thực hiện ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
5. Trường hợp ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong khoảng thời gian làm thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động không phải thực hiện việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm.
6. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được coi là đã thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm khi đã ghi đúng và đầy đủ các nội dung trong thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm và chịu trách nhiệm về nội dung thông báo".
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023
Theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Tuy nhiên, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng:
- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 7.450.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 1/7 lương cơ sở tăng, theo đó mức hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng.
Như vậy, với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất từ nay cho đến hết ngày 30/6 là 7,45 triệu đồng/tháng (5 x 1,49 triệu đồng), hưởng cao nhất trong 12 tháng là 89,4 triệu đồng. Từ ngày 1/7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất là 9 triệu đồng/tháng (5 x 1,8 triệu đồng), hưởng cao nhất trong 12 tháng là 108 triệu đồng.
- Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tùy thuộc vào mức lương tối thiểu vùng nơi họ làm việc và tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Năm 2023, mức lương tối thiểu được quy định theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng như sau: Vùng I: 4.680.000 đồng; vùng II: 4.160.000 đồng; vùng III: 3.640.000 đồng; vùng IV: 3.250.000 đồng.
Tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt là không quá 23.400.000 đồng đối với vùng I; không quá 20.800.000 đồng đối với vùng II; không quá 18.200.000 đồng đối với vùng III; không quá 16.250.000 đồng đối với vùng IV.
Như vậy, người lao động làm việc ở vùng I khi mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất là 23,4 triệu đồng/tháng, hưởng cao nhất trong 12 tháng là 280,4 triệu đồng.
Lưu ý, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Minh Hoa (t/h)