Trường hợp nào phương tiện thủy được giảm, miễn kiểm tra cảng vụ?

Theo quy định mới, cảng vụ đường thủy giảm kiểm tra phương tiện thủy hoạt động ổn định; miễn thủ tục rời cho phương tiện chở nông sản...

Phương tiện thủy có từ hai lần trong cùng một ngày vào, rời cảng bến thuộc phạm vi quản lý của một Đại diện cảng vụ chỉ kiểm tra giấy tờ phương tiện, thuyền viên lần đầu

Ngày 22/3, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo quy định tại Nghị định số 08/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (có hiệu lực từ 15/3), nhiều trường hợp phương tiện thủy (gồm cả tàu biển, thủy phi cơ) được giảm bớt thành phần, số lần làm thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng bến thủy so với trước.

Cụ thể: phương tiện chở khách trên tuyến cố định mà có nhiều cảng, bến (nếu không có sự thay đổi về thuyền viên, người lái phương tiện) thì chỉ phải làm thủ tục ở cảng, bến đầu tiên và cuối cùng.

Phương tiện chở khách, chở hàng trong một chuyến hành trình vào, rời nhiều cảng, bến, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý của một đại diện cảng vụ mà không có sự thay đổi thuyền viên, người lái, hành khách cũng chỉ phải làm thủ tục ở cảng bến đầu tiên và cuối cùng. Khi di chuyển giữa các cảng bến trên hành trình, cảng vụ sẽ cấp lệnh điều động cho phương tiện.

Tàu thuyền chở khách thường xuyên vào một cảng, bến thủy mà không có sự thay đổi về thuyền viên, người lái và đăng kiểm của tàu còn hiệu lực chỉ phải làm thủ tục vào, rời chuyến thứ nhất. Từ chuyến thứ hai trở lên, cảng vụ chỉ thực hiện kiểm tra an toàn và cấp giấy phép cho phương tiện rời.

“Chẳng hạn các tàu chở khách du lịch trên một số hồ thủy điện, vì thường xuyên hoạt động đón khách ở bến nhất định, nên theo quy định mới từ chuyến thứ hai chỉ phải kiểm tra an toàn và được cấp giấy rời bến. Còn nếu theo thủ tục thông thường như trước, chuyến nào cũng phải xuất trình và nộp lại giấy tờ cho cảng vụ”, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II nêu.

Tương tự, phương tiện mà trong cùng ngày có từ hai lần vào, rời cảng bến trong phạm vi của một đại diện cảng vụ quản lý cũng chỉ kiểm tra giấy tờ phương tiện, thuyền viên lần đầu.

Đối với phương tiện vào cảng bến, sau đó di chuyển đến cảng thủy trong vùng nước cảng biển (hàng hải) để rời đi, chỉ phải làm thủ tục rời cảng đường thủy. Trường hợp di chuyển giữa các cảng, bến thủy và cảng biển trong vùng nước hàng hải được cấp lệnh điều động phương tiện.

Đáng chú ý, nghị định cũng quy định cụ thể việc giải quyết một số vướng mắc trước đây như tên cảng, bến trong giấy phép rời khác với tên trong giấy vào cảng, bến; hoặc không xác định được nơi đến.

Đó là trường hợp tên cảng bến giữa giấy phép rời cảng và vào cảng, bến khác nhau, cảng vụ làm thủ tục cho phương tiện thủy vào cảng và yêu cầu người làm thủ tục trình bày lý do thay đổi kế hoạch vận tải. Đối với phương tiện khi rời cảng, bến mà không xác định được nơi đến, cảng vụ ghi nơi đến dự kiến (trong giấy phép rời) theo đề xuất của người làm thủ tục.

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/truong-hop-nao-phuong-tien-thuy-duoc-giam-mien-kiem-tra-cang-vu-d499987.html