Trường hợp người lao động được trả tiền thay cho đóng BHXH, ai cũng nên biết
Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động và người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người lao động được nhận khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 168 Bộ Luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nếu thuộc đối tượng tham gia.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ được doanh nghiệp thanh toán thêm một khoản tiền tương đương với tiền mà doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động.
Tại khoản 4 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định những trường hợp người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (tức được người sử dụng lao động trả khoản tiền thay vì phải đóng BHXH) bao gồm:
Người giúp việc gia đình; Người lao động đi làm nhưng đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng theo chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ cấp xã tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP; Người lao động đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
Người lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010; Người lao động là Quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg, Quyết định 53/2010/QĐ-TTg, Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
Theo quy định về BHXH hiện hành, tổng mức đóng các khoản bảo hiểm là 32% tháng lương, trong đó người lao động đóng 10,5%, đơn vị sử dụng lao động đóng 21,5%.
Như vậy, nếu người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì ngoài lương, hàng tháng họ sẽ được người sử dụng lao động chi trả thêm 21,5% lương vào cùng kỳ trả lương thay cho phần đóng bảo hiểm.
Căn cứ Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng thỏa thuận nhận tiền thay cho đóng bảo hiểm thì cả người lao động và người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với người lao động; Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 12% - 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1/7/2025
Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024, có hiệu lực từ 1/7/2025 có quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Dân quân thường trực;
- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;
- Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
- Đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương…
Minh Hoa (t/h)