Trưởng khoa Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là ứng viên PGS trẻ nhất ngành Y năm 2024

Tiến sĩ Lê Minh Hoàng sinh năm 1987 là ứng viên phó giáo sư trẻ tuổi nhất ngành Y năm 2024. Hiện thầy đang công tác tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 72 ứng viên (3 giáo sư, 69 phó giáo sư) được Hội đồng Giáo sư ngành Y học đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. So với danh sách ban đầu được các hội đồng giáo sư cơ sở đề xuất, có 10 ứng viên ngành Y học (3 giáo sư, 7 phó giáo sư) không đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Trong 69 ứng viên phó giáo sư được đề nghị xét công nhận chức danh, Tiến sĩ Lê Minh Hoàng, sinh ngày 01/05/1987, quê ở xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định là ứng viên phó giáo sư trẻ nhất ngành Y học năm nay.

 Tiến sĩ Lê Minh Hoàng - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. (Ảnh: Website nhà trường)

Tiến sĩ Lê Minh Hoàng - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, thầy Hoàng được cấp bằng đại học ngày 30 tháng 6 năm 2011 ngành: Trung Y, chuyên ngành: Trung Y tại Trường Đại học Trung Y Dược Quảng Châu - Trung Quốc.

Ngày 20 tháng 6 năm 2014, thầy được cấp bằng thạc sĩ ngành: Trung Y, chuyên ngành: Trung Y ngoại khoa tại Trường Đại học Trung Y Dược Quảng Châu - Trung Quốc.

Ngày 02 tháng 12 năm 2020, thầy được cấp bằng tiến sĩ ngành: Y học cổ truyền, chuyên ngành: Y học cổ truyền tại Viện Y học cổ truyền Quân đội.

 Quá trình công tác của Tiến sĩ Lê Minh Hoàng. Ảnh: Thu Thủy

Quá trình công tác của Tiến sĩ Lê Minh Hoàng. Ảnh: Thu Thủy

Trong nghiên cứu khoa học, thầy Hoàng tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chính, gồm: Nghiên cứu hiệu quả của việc phối hợp các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc của Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại trong điều trị các bệnh mạn tính, đặc biệt với bệnh nhân cao tuổi; Hiện đại hóa và đánh giá tác dụng của các bài thuốc cổ phương, cổ phương gia giảm, bài thuốc gia truyền, nghiên cứu độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tác dụng dược lý của các bài thuốc trên thực nghiệm và trên lâm sàng.

Tiến sĩ Lê Minh Hoàng đã công bố 39 bài báo khoa học, trong đó có 11 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (tác giả chính 03 bài, liên hệ 04 bài, thành viên 04 bài) và 28 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí trong nước (tác giả chính 15 bài, liên hệ 06 bài, thành viên 07 bài).

 Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ Tiến sĩ Lê Minh Hoàng tham gia đã được nghiệm thu. Ảnh chụp màn hình

Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ Tiến sĩ Lê Minh Hoàng tham gia đã được nghiệm thu. Ảnh chụp màn hình

Thầy Hoàng đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên, trong đó 3 đề tài thầy là chủ nhiệm, 1 đề tài là thành viên. Ngoài ra, ứng viên phó giáo sư trẻ tuổi nhất ngành Y năm 2024 cũng xuất bản 8 cuốn sách, trong đó có 7 giáo trình và 1 sách tham khảo bao gồm: giáo trình Trung văn chuyên ngành; giáo trình Nội bệnh lý y học cổ truyền tập 1, 2, 3; giáo trình Dược học cổ truyền; giáo trình Phương pháp điều trị không dùng thuốc (Xoa bóp - Dưỡng sinh); giáo trình Lý luận cơ bản Y học cổ truyền; Thuốc y học cổ truyền tập 1, 2; giáo trình Ôn bệnh; sách tham khảo Sổ tay lâm sàng đông tây y kết hợp.

Từ sau khi được cấp bằng tiến sĩ đến nay, thầy Hoàng đã công bố 34 công trình khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực Y học cổ truyền.

Ngoài ra, thầy đã hướng dẫn 3 sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp đại học; hướng dẫn chính 2 học viên bảo vệ thành công luận văn sau đại học (chuyên khoa 2) chuyên ngành Y học cổ truyền; hướng dẫn phụ 1 học viên sau đại học bảo vệ thành công luận văn chuyên khoa 2 chuyên ngành Y học cổ truyền.

Trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Lê Minh Hoàng cho biết:

“Tôi làm giảng viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ năm 2014. Năm 2023, tôi được bổ nhiệm Trưởng Khoa Y học cổ truyền.

Tôi đã cùng khoa phát triển và giảng dạy các chương trình đào tạo sau đại học như chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú chuyên ngành Y học cổ truyền và đang viết đề án mở mã ngành thạc sĩ, chủ trì biên soạn, phát triển và tham gia giảng dạy 4 chương trình đào tạo liên tục. Đồng thời, tôi cùng với khoa xây dựng giáo trình giảng dạy trình độ đại học và xuất bản giáo trình phục vụ giảng dạy; thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và công tác đổi mới quản trị đại học; tham gia các hội đồng khoa học của trường và bộ môn.

Hàng năm, tôi đều hoàn thành giờ chuẩn giảng dạy theo quy định và vượt giờ theo vị trí chức danh. Áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng tăng tính chủ động cho người học và gắn với thực tiễn, cập nhật kiến thức, kỹ thuật, phương pháp mới trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Đồng thời, tôi tham gia xây dựng định hướng nghiên cứu cho trường dựa trên các thế mạnh về đội ngũ nhân lực, trang thiết bị hiện đại của bệnh viện, trường và các khu vực trọng điểm, điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu long. Tham gia các buổi làm việc với các tỉnh đặt hàng cho các nhà khoa học của trường thực hiện nhiều công trình nghiên cứu cấp tỉnh”, thầy Hoàng nêu trong hồ sơ.

Về khen thưởng thi đua, Tiến sĩ Lê Minh Hoàng từng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở các năm học (2019-2020; 2021- 2022; 2022-2023); nhận giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2019; nhận giấy chứng nhận và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho nhóm tác giả có thành tích có đề tài đạt xuất sắc tại Hội nghị Khoa học và công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế năm 2021; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2023; bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ cho “Tri thức, nhà khoa học tiêu biểu Thành phố Cần Thơ năm 2023”...

3 bài báo khoa học của Tiến sĩ Lê Minh Hoàng là tác giả chính được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín:

1, Evaluation of PainRelieving Effect of The Herbal Remedy “Hoang Ky Que Chi Ngu Vat Thang” in Animal Model.

2, Single-dose and 90- day repeated-dose toxicity study of Ngu-Vi-Tieu-Khat (NVTK), a Vietnam traditional remedy, in swiss mice and wistar rats.

3, Ngu-Vi-Tieu-Khat decoction, a Vietnamese traditional medicine, possesses hypoglycemic and hypolipidemic effects on streptozotocininduced type-2 diabetic rat model.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-khoa-truong-dh-y-duoc-can-tho-la-ung-vien-pgs-tre-nhat-nganh-y-nam-2024-post246189.gd