Trường, lớp quá tải do tăng sĩ số cơ học
Những năm học gần đây, số lượng học sinh liên tục tăng cục bộ ở những địa bàn phát triển dân số cơ học, trung bình năm sau cao hơn năm trước từ 11-13 nghìn em. Nhiều trường, lớp quá tải liên quan tới việc tuyển dụng, bố trí giáo viên, bổ sung lớp học, chất lượng giáo dục...
Số lớp, sĩ số học sinh tăng cao
Theo ông Trần Văn Huân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Việt Yên, gần đây số học sinh tăng nhanh, đặc biệt ở những nơi có đông công nhân như các xã, thị trấn: Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến, Hồng Thái, Việt Tiến, Nếnh, Bích Động. 5 năm gần đây, mỗi năm học trên địa bàn huyện tăng khoảng 44 lớp, tương đương với một trường học có quy mô lớn.
Thị trấn Nếnh hiện có 46,2 nghìn dân, trong đó có 25 nghìn công nhân ở trọ. Trên địa bàn hiện có 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 trường liên cấp. Mặc dù có số lượng cơ sở giáo dục nhiều hơn các địa phương khác nhưng các nhà trường đều đông học sinh, trung bình 38,6 em/lớp (cao hơn quy định 3,6 em/lớp).
Bậc tiểu học, thị trấn Nếnh có 2 trường là: Tiểu học Hoàng Ninh và Tiểu học thị trấn Nếnh. Trường Tiểu học Hoàng Ninh có 35 lớp với gần 1,4 nghìn học sinh đang học tập tại 3 điểm trường ở tổ dân phố: Hoàng Mai 1, Phúc Lâm, My Điền 1. Điểm trường My Điền 1 chủ yếu là con em công nhân. Hằng năm điểm trường này luôn gia tăng học sinh.
Trường Tiểu học thị trấn Nếnh có 32 lớp với gần 1 nghìn em. Trước đây, nhà trường rất chật hẹp, ít phòng học kiên cố. Để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh tăng hằng năm, mới đây, trường mở rộng khuôn viên, xây thêm 23 phòng học, phòng chức năng, chuyển cổng để giảm ách tắc giờ cao điểm.
Không nằm ở phường, xã trung tâm nhưng một số trường tiểu học, mầm non ở các xã Tân Mỹ, Song Khê và phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) luôn trong tình trạng đông học sinh. Trường Tiểu học Tân Mỹ có 40 lớp với gần 1,8 nghìn em.
Cô giáo Lê Thị Sáng, Hiệu trưởng cho biết: Những năm học gần đây, số học sinh luôn ở mức cao do trên địa bàn có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư mới. UBND xã đã đầu tư cải tạo, bổ sung cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường, lớp học. Năm học tới, nhà trường sẽ đưa vào sử dụng thêm một ngôi nhà 3 tầng mới, qua đó giảm số học sinh ở từng lớp.
Hằng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh dự báo số học sinh tương đối sát thực tế ở từng xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực chưa theo kịp với nhu cầu học tập của người dân. Tình trạng quá tải học sinh tập trung tại nhiều huyện, TP khiến ngành Giáo dục và Đào tạo đứng trước khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nhân lực ở nhiều bộ môn và đặc biệt thiếu giáo viên mầm non và tiểu học.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có tỷ lệ giáo viên/lớp ở bậc mầm non mới đạt 1,94 giáo viên/lớp (tiêu chuẩn là 2,2), tiểu học là 1,39 giáo viên/lớp (tiêu chuẩn là 1,5). Riêng huyện Việt Yên thiếu 260 giáo viên mầm non và 145 giáo viên tiểu học; TP Bắc Giang cũng thiếu hơn 170 giáo viên tiểu học; huyện Hiệp Hòa thiếu hơn 100 giáo viên tiểu học.
Trong khi quỹ đất để mở rộng quy mô trường lớp khó khăn, thậm chí không thể mở rộng được. Như trường tiểu học, THCS Trần Phú, tiểu học Lê Hồng Phong, tiểu học Đông Thành (TP Bắc Giang). Nhiều phòng học chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, trong khi số học sinh trên mỗi lớp học đông ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Ngoài việc tạo môi trường thân thiện giữa thầy và trò, nhiều nhà trường dỡ bỏ bục giảng còn vì mục đích mở rộng diện tích kê bàn ghế cho học sinh rộng rãi hơn.
Phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hiện nay, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút hơn 58 nghìn công nhân ngoại tỉnh và khoảng 50 nghìn công nhân ở các địa phương trong tỉnh ở trọ. Số này chủ yếu là lao động trẻ đang trong độ tuổi lập gia đình, có con nhỏ. Phần lớn họ mang theo con đang học mầm non, tiểu học đến đây lưu trú.
Bên cạnh đó còn có tình trạng học “trái tuyến” tại một số trường ở nội thành, trung tâm thị trấn dẫn đến số học sinh tăng cục bộ. Hơn nữa, gần đây, một số khu chung cư mới xây dựng ở các phường Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Ngô Quyền, Thọ Xương, Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) với gần 2 nghìn hộ dân mới chuyển đến sinh sống cũng khiến số học sinh khu vực này tăng. Như phường Dĩnh Kế hiện có 17 nghìn dân. Dân số cơ học liên tục tăng hằng năm với khoảng 2 nghìn người, riêng Khu dân cư mới Bách Việt có hơn 300 hộ dân.
Chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn được phụ huynh đánh giá cao nên các gia đình ở một số vùng giáp ranh cũng xin cho con vào học tại đây. Bởi vậy, trường tiểu học và THCS Dĩnh Kế là một trong những cơ sở giáo dục có số học sinh nhiều nhất tỉnh. Cô giáo Hà Thị Nhật, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dĩnh Kế cho biết: Trường có hơn 1,9 nghìn học sinh ở 40 lớp. Quy mô lớp học lớn khiến một số hoạt động giáo dục gặp khó khăn, công việc của cán bộ quản lý, giáo viên cũng thêm phần vất vả.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh tăng thêm gần 300 lớp với hơn 12 nghìn học sinh ở các đô thị, khu công nghiệp. Ngành Giáo dục và Đào tạo đứng trước khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nhân lực ở nhiều bộ môn và đặc biệt thiếu giáo viên mầm non và tiểu học.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, Sở đang xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp.
Do học sinh tăng cục bộ ở một số khu vực mà không tăng đều ở tất cả các xã, phường, thị trấn, Sở phối hợp với UBND các huyện, TP chỉ đạo đầu tư mở rộng, bổ sung, xây mới hệ thống phòng học, phòng chức năng, khuôn viên theo hướng đầu tư trọng điểm cho từng cơ sở giáo dục.
Đối với các trường cơ sở vật chất chật hẹp, địa phương rà soát quỹ đất, có thể bố trí di chuyển đến địa điểm mới để xây dựng đồng bộ, khang trang. Để giải quyết khó khăn về nhân lực, Sở phối hợp với Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí, tuyển dụng mới giáo viên các bậc học, môn học bảo đảm theo nhu cầu thực tế ở từng xã, phường, thị trấn, giảm thiểu tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
Trong khi chưa tuyển dụng đủ chỉ tiêu, Sở chỉ đạo các nhà trường ký hợp đồng lao động với giáo viên nghỉ hưu, cử nhân tốt nghiệp các trường đại học sư phạm. UBND các huyện, TP bố trí ngân sách chi trả chế độ thừa giờ cho giáo viên để động viên thầy, cô trong bối cảnh thiếu nhân lực.
Năm học 2020-2021, huyện Việt Yên là địa phương đầu tiên chi trả đầy đủ chế độ thừa giờ đúng hạn cho giáo viên với số tiền gần 14 tỷ đồng. Thực hiện xã hội hóa giáo dục, ở các đô thị, khu công nghiệp, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân thành lập các trường tư thục để giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập. Hiện trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển hệ thống nhà trường ngoài công lập. Tuy nhiên chủ yếu là mầm non và THPT, còn bậc tiểu học và THCS chưa có nhiều.
Bài, ảnh: Duy Minh