Trương Mỹ Lan: Số liệu SCB cung cấp chênh lệch với thông tin CQĐT công bố

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, số liệu mà SCB cung cấp có sự chênh lệch so với thông tin mà cơ quan điều tra công bố và đề nghị SCB cung cấp lại đầy đủ.

Ngày 4/4, phiên phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các cá nhân liên quan tiếp tục với phần tranh luận.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện bối cảnh và nguyên nhân dẫn đến các sai phạm tại Ngân hàng SCB.

Bị cáo cho rằng, trước thời điểm bị khởi tố, SCB vẫn hoạt động ổn định, không gặp khó khăn về thanh khoản hay thua lỗ, đồng thời đang trong quá trình chuẩn bị tái cơ cấu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

Liên quan đến khoản tiền 287.000 tỷ đồng được đề cập trong cáo trạng, bị cáo khẳng định đây là dòng tiền được sử dụng trong các hoạt động giao dịch tài chính của SCB, không phục vụ mục đích cá nhân.

Do đó, theo quan điểm của bị cáo, cần phải tính toán và cấn trừ khoản tiền này khi xem xét trách nhiệm hình sự liên quan đến các tội danh tham ô tài sản và rửa tiền.

Bị cáo cũng cho biết từng yêu cầu phía SCB cung cấp tài liệu trong giai đoạn điều tra nhưng không nhận được phản hồi.

Theo bị cáo, số liệu mà SCB cung cấp có sự chênh lệch so với thông tin mà cơ quan điều tra công bố. Trên cơ sở đó, bị cáo đề nghị SCB cung cấp lại đầy đủ và chính xác các dữ liệu tài chính để HĐXX có cơ sở đánh giá khách quan, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với hai tội danh bị truy tố.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng trình bày rằng trong quá trình phát hành 3 gói trái phiếu của Công ty An Đông, SCB đã sử dụng khoảng 61.000 tỷ đồng cho hoạt động tái cơ cấu. Trong đó, hơn 11.000 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu, còn lại khoảng 50.000 tỷ đồng là tài sản cá nhân của bị cáo cho SCB vay.

Dẫn chứng từ trang 39 trong bản kết luận điều tra, bị cáo cho biết cơ quan chức năng đã xác định số tiền thu được từ việc bán trái phiếu (hơn 30.800 tỷ đồng) đã bị hòa trộn với các nguồn tài chính khác, tạo thành tổng dòng tiền hơn 61.000 tỷ đồng.

Trong số đó, cơ quan điều tra đã bóc tách và xác định được hơn 11.000 tỷ đồng đến từ nguồn phát hành trái phiếu, phần còn lại - khoảng 50.000 tỷ đồng - bị cáo khẳng định là tài sản cá nhân của mình được cho SCB vay.

Bị cáo nhấn mạnh: “Phía luật sư SCB nói họ tôn trọng kết luận điều tra. Nếu vậy, SCB cần xác nhận những nội dung đã được ghi rõ trong hồ sơ điều tra và cáo trạng”.

Theo tài liệu trong hồ sơ vụ án, vào tháng 8/2018, SCB bị đưa vào diện giám sát đặc biệt bởi cơ quan quản lý.

Từ đó, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, nhằm xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng, bị cáo Lan đã chỉ đạo triển khai việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thực hiện chỉ đạo này, bốn công ty trong hệ sinh thái gồm An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra đã phát hành tổng cộng 25 mã trái phiếu không có tài sản đảm bảo, dẫn đến việc chiếm đoạt hơn 30.800 tỷ đồng từ hơn 35.800 nhà đầu tư. Riêng Công ty An Đông đã phát hành ba gói trái phiếu, chiếm đoạt gần 25.000 tỷ đồng.

Trước phần trình bày của bị cáo, Chủ tọa phiên tòa cho biết HĐXX sẽ thận trọng xem xét toàn bộ lời khai, chứng cứ cũng như các quan điểm bào chữa của luật sư trong quá trình nghị án.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/truong-my-lan-so-lieu-scb-cung-cap-chenh-lech-voi-thong-tin-cqdt-cong-bo-ar935711.html