Trường nghề chạy đua 'thuê thầy - mở mã ngành'
Hiện nhiều cơ sở Giáo dục nghề nghiệp mở thêm nhiều mã ngành học mới với mong muốn đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này có thể khiến chất lượng đào tạo nghề bị 'loãng'.
Muốn tồn tại phải đổi mới
Theo ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông: Chất lượng đào tạo không hẳn phụ thuộc vào các trường nghề mở nhiều hay ít ngành. Theo ngành LĐ-TB&XH thì lao động qua đào tạo còn thiếu so với nhu cầu của xã hội. Vì vậy, nếu mở thêm nhiều mã ngành cũng không phải là vấn đề khó khăn hay đáng ngại. Quan trọng là phụ thuộc vào sự chuẩn bị các điều kiện mở ngành mới của các cơ sở này. Thực trạng hiện nay, một số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói không đi đôi với làm, “trường thuê - thầy mướn” là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao. Đây mới là vấn đề đáng bàn.
Hơn nữa, hiện nhiều trường trung cấp hệ công lập và tư thục đều gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Đối với GDNN, tuyển sinh là vấn đề then chốt quyết định sự tồn tại của trường. Trong khi mức học phí không được thu quá cao. Nhiều mã ngành không tuyển sinh được thì dù cơ sở vật chất đã đảm bảo để mở thêm cũng khó có thể tồn tại lâu dài.
Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết thêm, nhiều cơ sở GDNN đã công bố phương án tuyển sinh năm học mới. Dù có mở thêm nhiều mã ngành thì đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho xã hội. Bởi các trường đã tích cực đổi mới, cập nhật xu hướng lao động của xã hội. Đồng thời nghiên cứu kỹ thị trường lao động để có nguồn nhân lực qua đào tạo bài bản hơn.
Hơn nữa, nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp từ nông thôn lên thành thị, tác động của cuộc cách mạng 4.0, vấn đề chuyển đổi số… đòi hỏi các làng nghề - một trong những cơ sở hạ tầng của GDNN phải thay đổi. Điều này khiến cho các cơ sở đào tạo GDNN buộc phải đổi mới.
Thực trạng xã hội, có những nghịch lý trong đào tạo nghề mà nguồn cung và cầu thực sự tỉ lệ nghịch. Có những ngành thời điểm vài năm trước, các trường quá tải khi mở lớp, thì nay do thị trường lao động bão hòa, không ai có nhu cầu học. Đây cũng chính là lý do các trường cần phải mở thêm mã ngành mới, xóa bỏ những ngành nghề đã lỗi thời so với nhu cầu của thị trường lao động.
Ông Hải cho biết, năm học này, trường dự kiến tuyển 1.500 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 1.000 chỉ tiêu trung cấp. Con số này tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trường có thể đặt chỉ tiêu cao hơn nữa.
Đồng thời, trường sẽ mở thêm ngành hộ sinh và dự kiến có ngành quản trị cơ sở dữ liệu. Ông Hải cho rằng, ngày nay quản trị cơ sở dữ liệu cần thiết cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và phù hợp với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Ở cấp độ thấp như quản trị văn phòng cũng cần những hiểu biết và kỹ năng về dữ liệu và số hóa dữ liệu. Những ngành học này sẽ trang bị kiến thức công nghệ thông tin cơ bản cùng tính kỷ luật và bảo mật. Điều này thích hợp cho sinh viên trường nghề...
Chủ động trong xu thế mới
Nhiều cơ sở GDNN khác cũng ồ ạt mở thêm mã ngành học mới. Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM xét tuyển 1.400 chỉ tiêu cho 20 ngành cao đẳng, tăng gần 100 chỉ tiêu so với năm 2020. Trường dự kiến mở thêm 7 ngành mới với 280 chỉ tiêu như các ngành logistics, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, quản trị khách sạn… Với bậc trung cấp, trường tuyển 800 chỉ tiêu cho 13 ngành khác nhau.
ThS Phạm Đức Khiêm - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Dù nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh nhưng hầu hết đã có “kịch bản” cho việc phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo và các chính sách thu hút người học. Đối với nhà trường, năm 2021 sẽ là năm quan trọng khi trường bắt đầu kết hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên giảng dạy chương trình giáo dục bảy môn cho các em đã tốt nghiệp THCS.
Đây là đối tượng được nhiều cơ sở GDNN “để mắt” tới nhằm hướng nghiệp cho các em khi còn là học sinh. Điều này cũng giúp các em đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT, nhằm có thể liên thông lên ĐH sau này.
Tuy nhiên, lưu ý trong vấn đề mở nhiều mã ngành, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng: Phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Điều này nhằm bảo đảm được chất lượng đầu ra cũng như việc làm cho sinh viên. Từ đó, nhà trường phải hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng như thế nào, yêu cầu về nhân lực ra sao… Qua đây, trường sẽ chủ động thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo, bổ sung những nội dung mà trước đó nhà trường chưa có.
Ví dụ như hợp tác với Hàn Quốc thì cần đưa các chương trình học về văn hóa, ngôn ngữ, đặc thù của người Hàn… Như vậy, các em sẽ được đào tạo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.
Như vậy, để việc liên kết được thành công, nhà trường phải bám sát với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần hiểu về quá trình đào tạo của nhà trường một cách xuyên suốt.
Ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh: Mở thêm mã ngành học cũng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, các cơ sở đào tạo nghề cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy nghề. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quy mô tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động…
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải cho rằng, phải có doanh nghiệp đầu tàu tham gia tư vấn, góp ý chương trình. Thậm chí tham gia góp vốn, nhân lực bằng nhiều hình thức. Hơn nữa, cần có báo cáo đánh giá độc lập số lượng và nơi làm việc cũng như thu nhập của các học viên sau tốt nghiệp 3 - 5 năm. Điều này không chỉ giúp nhà trường xác định được mình cần tập trung đào tạo cái gì, mà còn thu hút tuyển sinh các khóa sau.
Hơn nữa, chính sách hậu kiểm kèm chế tài trong đào tạo cũng cần khách quan, rõ ràng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở GDNN bất kể trường công hay trường tư để nâng cao chất lượng đào tạo từ tuyển sinh, mở thêm ngành nghề, bảo đảm việc làm cho người lao động…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/truong-nghe-chay-dua-thue-thay-mo-ma-nganh-iW027SQGg.html