Trường nghề đang đối mặt với thách thức nào trong tuyển sinh?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phúc Thọ, các trường nghề cần chủ động đổi mới và tận dụng lợi thế đặc thù để khắc phục khó khăn về nguồn tuyển.

.t1 { text-align: justify; }

Thời điểm hiện tại, các trường nghề đang chuẩn bị tuyển sinh cho năm học 2025-2026. Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, nỗ lực thu hút học sinh tuy nhiên công tác tuyển sinh của nhiều trường nghề vẫn đối mặt với không ít thách thức.

Thực tế cho thấy, thị trường lao động đang rất cần nguồn nhân lực có tay nghề cao với mức thu nhập không thấp. Tuy nhiên, số lượng học sinh lựa chọn học nghề vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Nếu không thay đổi sẽ khó đạt được mục tiêu đạt 50%-55% học sinh vào các trường nghề vào năm 2030 theo Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Việc tuyển sinh với trường nghề còn gặp nhiều thách thức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết, đối với trường nghề, hệ đào tạo 9+ là kênh tuyển sinh quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh trường nghề đang cạnh tranh để giữ nguồn tuyển và cánh cửa vào đại học rộng mở hơn.

“Việc nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh và lấy điểm chuẩn chỉ ở mức 15-16 điểm đang tạo ra cơ hội vào đại học trở nên dễ dàng khiến trường nghề phải đối mặt với thách thức lớn trong công tác tuyển sinh đối với nguồn tuyển là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Tương tự, trường nghề đào tạo chương trình hệ 9+ cũng chịu áp lực cạnh tranh từ trường trung học phổ thông công lập. Bởi nếu chỉ tiêu của trường trung học phổ thông công lập tăng lên, cánh cửa tuyển sinh của các trường nghề sẽ càng thu hẹp, gây ra không ít khó khăn trong việc thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở”, thầy Huyền chia sẻ.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: website trường.

Theo thầy Huyền, hiện nhà trường đang tuyển sinh học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học cao đẳng và tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp. Trong đó, số lượng học sinh học hệ 9+ chiếm đa số nguồn tuyển. Dù hàng năm, trường dành nhiều sự đầu tư vào công tác tuyển sinh, nhưng việc tuyển sinh hệ 9+ gặp khó khăn ảnh hưởng tới số lượng người học và nguồn thu của nhà trường.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Thọ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt (Lâm Đồng) cho rằng, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương theo Chỉ thị số 21-CT/CW của Ban Bí thư để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Song, do việc triển khai ở mỗi địa phương có sự khác nhau, dẫn tới việc tuyển sinh của trường nghề còn khó khăn, đặc biệt với hệ 9+. Cùng với đó, tâm lý coi nhẹ học nghề vẫn còn tồn tại trong phụ huynh và học sinh càng gây thêm khó khăn cho trường nghề trong việc thu hút người học.

Theo thầy Thọ, việc học sinh tự nguyện đăng ký vào trường nghề hiện nay không nhiều, khiến trường nghề chủ yếu phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để phối hợp đào tạo nhằm duy trì hoạt động. Nếu chỉ tiêu vào trung học phổ thông quá cao, số ít chỉ tiêu còn lại cho các trường trung cấp, cao đẳng và giáo dục thường xuyên cùng “chia nhau” sẽ gây ra những khó khăn về tài chính cho các trường nghề, thậm chí có nguy cơ dẫn đến việc các trường nghề không thể cạnh tranh và tồn tại. Ngoài ra, việc “bỏ rơi” các trường nghề ở thời điểm hiện tại sẽ gây ra những hệ lụy lớn trong tương lai khi nhu cầu nhân lực có tay nghề tăng lên dẫn tới việc xây dựng lại hệ thống đào tạo nghề sẽ tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều.

Đồng ý kiến với quan điểm trên, Thạc sĩ Trần Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức cũng cho rằng, tuyển sinh hiện vẫn là một bài toán khó với trường nghề.

“Hầu hết học sinh sau khi không trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập hoặc tư thục thường lựa chọn học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên.

Do đó, sau khi trường trung học phổ thông đã tuyển chọn những học sinh có kết quả tốt nhất thì trường nghề mới tiếp cận được nguồn tuyển từ những học sinh còn lại. Điều này dẫn đến việc trường vừa gặp khó khăn trong việc đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, vừa chịu thiệt thòi về chất lượng học sinh, gây ảnh hưởng đến kết quả đào tạo như mong muốn”, thầy Đức bày tỏ.

 Thạc sĩ Trần Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Ảnh website trường.

Thạc sĩ Trần Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Ảnh website trường.

Thầy Đức thông tin, mỗi năm, nhà trường chỉ tuyển được khoảng 300 đến 350 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhập học, chiếm khoảng 20% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Trường nghề cần thay đổi chính mình để thu hút học sinh

Theo thầy Trần Minh Đức, để thu hút người học, đặc biệt là học sinh lớp 9 chưa có nhiều hiểu biết về giáo dục nghề nghiệp, việc xây dựng niềm tin và khẳng định vị thế với trường nghề là vô cùng quan trọng. Do đó, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

Cùng với đó, nhà trường nỗ lực tạo dựng một môi trường giáo dục an toàn, văn minh, nơi học sinh được quản lý sát sao, được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ và có cơ hội thực tập, hợp tác với các doanh nghiệp uy tín. Từ đó, tạo dựng niềm tin và thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh website trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh website trường.

Theo quan điểm thầy Lê Hoằng Bá Huyền, trước những khó khăn về tuyển sinh, trường nghề cần có những giải pháp mang tính chiến lược và bền vững. Trong đó, việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động đóng vai trò then chốt, đảm bảo sự đồng bộ từ khâu tuyển sinh, đào tạo thực hành đến định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, công tác truyền thông tuyển sinh cần được chú trọng đầu tư, kết hợp cùng việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số, khai thác tối đa các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin và kết nối với học sinh.

Cũng theo thầy Huyền, các cấp có thẩm quyền cần hiện thực hóa và triển khai sâu rộng tinh thần Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nội dung khẳng định việc dạy nghề song song với dạy văn hóa trong các trường nghề. Trường nghề cần được tạo điều kiện để có đủ năng lực dạy chương trình văn hóa, thay vì phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay. Điều này không chỉ giúp các trường nghề thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 21, mà còn giúp trường nghề nâng cao vị thế, mở ra một kênh tuyển sinh hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp căn cơ để thu hút học sinh theo học, đảm bảo các em vừa có tay nghề vững chắc vừa có nền tảng văn hóa tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Thầy Huyền cũng nhấn mạnh, việc chuyển giao cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo cơ hội tốt hơn trong việc quản lý và điều phối chỉ tiêu tuyển sinh. Đồng thời, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cũng bày tỏ mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chủ trương, chính sách phân luồng phù hợp để tháo gỡ những khó khăn mà các trường nghề đang phải đối mặt trong việc tuyển sinh.

Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Phúc Thọ, các trường nghề cần chủ động đổi mới và tận dụng lợi thế đặc thù để khắc phục khó khăn về nguồn tuyển.

Đó có thể là lợi thế về thời gian đào tạo ngắn hơn khi học sinh chỉ mất khoảng 1,5 năm đến 2,5 năm để học liên thông từ trung cấp lên. Sau tốt nghiệp, học sinh sớm có việc làm khi nhu cầu của thị trường lao động đối với nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp ngày càng cấp thiết. Cùng với đó, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, đối tượng tốt nghiệp trung học tiếp lên trình độ trung cấp sẽ được nhà nước cấp bù tiền học phí lên đến 100%.

Cũng theo thầy Thọ, trường nghề cần tăng cường tỷ lệ thực hành trong chương trình đào tạo, kết hợp các buổi học lý thuyết thành những trải nghiệm thực tế, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng một cách nhuần nhuyễn. Việc này không chỉ tạo hứng thú học tập, mà còn giúp học sinh tự tin khi bước vào thị trường lao động.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu nhu cầu của thị trường lao động và linh hoạt điều chỉnh chương trình đào tạo là yếu tố quan trọng. Các trường cần chủ động liên kết với doanh nghiệp, nắm bắt xu hướng phát triển của các ngành nghề để thiết kế những khóa học có tính ứng dụng cao, đáp ứng đúng những gì nhà tuyển dụng cần.

Cùng với đó, đầu tư vào chất lượng đội ngũ giảng viên là nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Giáo viên không chỉ cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn phải cập nhật liên tục những kỹ năng mới, phương pháp giảng dạy tiên tiến. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp này, giáo dục nghề nghiệp mới khẳng định được vị thế và thu hút được ngày càng nhiều học sinh.

Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt (Lâm Đồng) cũng lưu ý rằng, việc thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về học nghề là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và những chính sách đồng bộ, tạo động lực và định hướng rõ ràng cho học sinh theo học nghề.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-nghe-dang-doi-mat-voi-thach-thuc-nao-trong-tuyen-sinh-post251283.gd