Trường nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp (gọi chung là trường nghề) tại thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu năm học 2021-2022 bằng hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện hầu hết các trường nghề chưa tuyển đủ chỉ tiêu và gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nguyên nhân là do đời sống của nhiều gia đình gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến một số người không thể học nghề...

Một tiết thực hành chăm sóc sắc đẹp của học sinh Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (thành phố Hồ Chí Minh).

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh), hiện toàn thành phố có 59 trường cao đẳng và 64 trường trung cấp. Tính đến đầu tháng 10-2021, bậc cao đẳng mới chỉ tuyển được 19.827/45.000 chỉ tiêu, đạt 44,06%, bậc trung cấp là 9.980/36.000 chỉ tiêu, đạt 27,72%. Trước đây, khi các trường đại học xét tuyển xong thì khối trường nghề tuyển những thí sinh dùng học bạ để xét tuyển với điều kiện chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông là đủ. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, các trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển thì các trường cao đẳng, trung cấp phải chờ đến cuối mùa tuyển sinh mới biết được có tuyển đủ chỉ tiêu hay không.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết, tính đến thời điểm này, trường tuyển được 50% trong gần 4.000 chỉ tiêu. Nguyên nhân do dịch bệnh gây khó khăn, những sinh viên muốn học nghề sẽ học ngay địa phương để giảm chi phí, hạn chế lên thành phố lớn để tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra, việc có nhiều cơ hội vào đại học đã khiến số học sinh muốn học nghề giảm đi. Còn theo Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, trường cũng mới tuyển được 60% trong số hơn 500 chỉ tiêu dù cán bộ nhà trường đã đến tận các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở để tuyển sinh. “Dù không thuận lợi khi tuyển sinh, trường vẫn cố gắng tìm hướng giải quyết, trong đó tập trung vào các ngành nghề chất lượng cao để thu hút người học”, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc nói.

Em Trần Đức Thắng (ngụ quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em nộp hồ sơ vào một trường đại học. Tuy nhiên, không đủ điểm xét tuyển. Sau khi dịch Covid-19 tại thành phố dần được kiểm soát, các trường đại học tuyển sinh bổ sung với nhiều điều kiện dễ dàng hơn. Em và gia đình thực sự đang băn khoăn xem nên vào đại học hay học nghề để chủ động đi làm sau khi ra trường. Học đại học thì có danh, học nghề có nghề cụ thể. Em sẽ theo dõi thêm thông tin để quyết định trong tháng 10 này".

Tình hình tuyển sinh trường nghề ở bậc trung cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021 trường có 600 chỉ tiêu, hiện có 300 thí sinh đăng ký trực tuyến, nhưng mới chỉ có hơn 100 em nhập học. "Chúng tôi nhận thấy nhiều em học nghề bậc trung cấp năm thứ nhất còn có tâm lý chán nản, dễ thôi học. Nhiều em vẫn coi học nghề là điều gì đó không phù hợp với tuổi trẻ. Nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp để giải tỏa tâm lý cho các em và thu hút học sinh. Khi thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương nối lại giao thương, hy vọng sẽ có thêm nhiều em từ các tỉnh, thành phố về nhập học", Thạc sĩ Đặng Văn Sáng nói.

Trong khi đó, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành mới tuyển được 50% chỉ tiêu trong tổng số 460 chỉ tiêu với 21 ngành đào tạo... và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thu hút học sinh trong đó chú trọng khâu tuyên truyền.

Để công tác tuyển sinh vào các trường nghề tại thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả hơn, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Đặng Minh Sự cho rằng, cần có cơ chế, chính sách cụ thể thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào công tác tuyển sinh, đào tạo nghề; quan tâm phân luồng học sinh vào học nghề ngay từ bậc trung học cơ sở…

Cũng theo ông Đặng Minh Sự, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh tuyển sinh với nhiều hình thức, như tư vấn trực tiếp kết hợp trực tuyến, phối hợp với doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu. Việc nâng cao chất lượng đào tạo với phương châm lấy người học làm trung tâm, lấy tỷ lệ có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp làm tiêu chí đánh giá cần được các trường nghề hướng đến để tăng hấp dẫn và thu hút nhiều người học.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1014917/truong-nghe-gap-kho-khan-trong-tuyen-sinh