Trưởng phòng Cục CSGT đề xuất hạ cấp đường với cao tốc 2 làn xe
Trưởng phòng ở Cục CSGT đề nghị đường cao tốc phải đặt yếu tố an toàn cho con người lên hàng đầu, nếu không an toàn, phải hạ cấp đường không còn là cao tốc.
Tham luận tại Hội thảo khoa học "Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc - thực trạng và giải pháp" diễn ra sáng 19/3, Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục Cảnh sát giao thông), cho biết, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc đặt ra nhiều vấn đề.
Theo Thượng tá Lê Quang Hòa, "cao tốc phân kỳ" hay "cao tốc 2 làn xe" là khái niệm mới phát sinh thời gian gần đây, do khó khăn về nguồn lực triển khai. Tuy nhiên, ông cho rằng để đảm bảo an toàn, đường cao tốc tối thiểu phải có dải phân cách cứng ở giữa.
"Chúng tôi kiên quyết đề nghị việc phát triển đường cao tốc phải đặt yếu tố an toàn cho con người lên hàng đầu. Nếu không an toàn, phải hạ cấp đường không còn là cao tốc; hạn chế một số loại xe và giảm tốc độ khai thác", Thượng tá Hòa nói.
Thượng tá Lê Quang Hòa cũng cho rằng không thể vì mục tiêu có 3.000km cao tốc mà khai thác theo chuẩn cao tốc đối với những con đường chưa đạt chuẩn của loại hình đường bộ này.
Lấy dẫn chứng về cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai) chỉ có 2 làn xe, không dải phân cách cứng, ông Hòa nói con đường này qua 10 năm khai thác và thu phí nhưng đến nay chất lượng đã xuống cấp và vẫn chưa được đầu tư mở rộng đúng theo quy hoạch.
Đối với một số đoạn tuyến cao tốc gần đây đưa vào sử dụng nhưng không có làn khẩn cấp liên tục như cao tốc Bắc - Nam, Tuyên Quang - Phú Thọ…, Thượng tá Lê Quang Hòa cho biết khi xảy ra tai nạn, cảnh sát giao thông không thể tiếp cận để giải quyết sự cố do ùn tắc.
Ngoài ra có một số tuyến đường cao tốc cũng được nêu khi có làn dừng khẩn cấp nhưng không đủ bề rộng theo quy định.
Ông Hòa ví dụ như đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn (nơi xảy ra vụ tai nạn hôm 10/3 làm 2 người chết), xe tải gặp sự cố đã đỗ vào làn dừng khẩn cấp nhưng làn dừng ở đây chỉ rộng 2m, phương tiện vẫn thừa ra bên ngoài khoảng 1m.
Ông Hòa cũng nêu thực trạng trên những tuyến cao tốc chiều dài hàng trăm km nhưng lực lượng cảnh sát giao thông không có nơi để bố trí lực lượng, không có nơi tiếp dân, xử lý vi phạm. Tại một số tuyến qua tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, cảnh sát giao thông phải thuê nhà để làm việc.
"Xe vi phạm ở Cam Lâm (Khánh Hòa), không thể đưa họ về tới TP.HCM để xử lý hay tạm giữ xe được", Thượng tá Hòa nêu bất cập.
Thượng tá Hòa đề nghị cải tạo sớm các tuyến cao tốc chưa đủ tiêu chuẩn. "Chúng ta làm bao nhiêu thì chỉ khai thác mức đó, không thể khai thác cao tốc phân kỳ giống như cao tốc đầy đủ", ông Hòa bày tỏ quan điểm.