Trường Sa - hành trình hạnh phúc: Bài 1: Háo hức Trường Sa
'Hạnh phúc là một quá trình chúng ta đang đi', hành trình đến với Trường Sa của chúng tôi thực sự là một hành trình hạnh phúc khi được may mắn đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Được tận mắt chứng kiến sự sừng sững kiên trung của những người lính đảo và đôi mắt xoe tròn thơ ngây của những em bé khi nhận món quà tết, mang hơi ấm từ đất liền đến với Trường Sa.
Theo đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân, chúng tôi may mắn đến với Trường Sa. Ngoài thành viên thực hiện nhiệm vụ theo quy định, còn có gần 90 phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước tham gia cùng đoàn. Tỉnh Yên Bái vinh dự có 3 nhà báo tham gia cùng đoàn công tác lần này, trong đó nhà báo Mạnh Cường (Báo Yên Bái) và nhà báo Đình Nguyên (Đài PTTH tỉnh) tham gia cùng tàu 571; nhà văn Nông Quang Khiêm (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh) tham gia cùng tàu 561.
Trước khi đến với Trường Sa, tất cả các thành viên trong đoàn công tác được tham dự Lễ khởi hành chia tay do vùng 4 Hải quân tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Chuyến đi lần này là một trong những hoạt động trọng điểm nhằm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và chư tăng đang sinh sống, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chuyến đi không chỉ mang đến những món quà Tết đầy ý nghĩa mà còn là dịp để động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho các lực lượng đang ngày đêm bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, chúng tôi muốn gửi gắm tình cảm yêu thương, sự đoàn kết và niềm tin vững chắc từ đất liền đến Trường Sa, khẳng định chủ quyền quốc gia và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Chuyến công tác Trường Sa lần này không chỉ mang đến những món quà Tết đầy ý nghĩa mà còn là dịp để động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho các lực lượng đang ngày đêm bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Với nhiều phóng viên báo chí, hành trình đến với Trường Sa là một trải nghiệm thú vị. Nhiều người cũng đã có đôi, ba lần đến với Trường Sa; nhiều phóng viên lần đầu được đến với Trường Sa. Song tất cả đều chung một sự hứng khởi, sự háo hức khi đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà báo Lê Hoàng Giang – phóng viên Báo Sơn La chia sẻ: Đi Trường Sa, mặc dù biết là sẽ khó khăn, vất vả vì cuối năm là mùa biển động nhưng tôi vẫn xung phong lên đường để trải nghiệm và có những tác phẩm phản ánh cuộc sống nơi đảo xa. Được tác nghiệp tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào đối với tôi cũng như các đồng nghiệp. Tôi đã chuẩn bị kỹ càng về phương tiện và sức khỏe để sẵn sàng đến nơi đầu sóng ngọn gió.
Tàu Hải quân 571 đưa chúng tôi ra Trường Sa bắt đầu bằng 3 hồi còi dài rồi chầm chậm ra khơi. Mới khởi hành tàu còn ở trong khu vịnh Cam Ranh, sóng nhỏ, tàu lướt đi trên mặt nước, đứng trên boong tàu hít hà không khí của biển cả, vị mằn mặn của muối mà gió biển mang tới phả vào mặt, cảm giác lâng lâng đến lạ. Tiếng cười nói vang lên khắp các khoang. Ai cũng háo hức và mong chờ khoảnh khắc được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng giữa biển khơi của Tổ quốc.
Tàu rời vịnh, ra biển lớn, sóng gió ngày một mạnh hơn. Đợt ra biển lần này trúng vào dịp không khí lạnh tăng cường, gió từ phương Bắc thổi tới càng khiến biển động mạnh hơn, không còn dịu êm nữa. Tàu trưởng ra thông báo yêu cầu mọi người trở về phòng, tránh gió to, sóng lớn có thể hất văng xuống biển. Và một đặc sản khiến những người đi biển lần đầu đều khiếp sợ bắt đầu xuất hiện.
Tàu lắc lư theo con sóng và người cũng lắc theo, đầu chếnh choáng, mọi thứ xung quanh gần như đảo lộn. Cơn say sóng bắt đầu, người khỏe hơn nằm bẹp góc giường, người yếu say nhũn người, nôn thốc, nôn tháo. Nhiều người mấy ngày không ăn dc cơm. Với kinh nghiệm 2 lần đi Trường Sa, nhà báo Đình Nguyên – Đài PTTH tỉnh Yên Bái chuẩn bị một lô thuốc chống say, thuốc bổ não, C sủi… vậy mà vẫn thấy lâng lâng.
Sau một hải trình dài, điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân tới là đảo Song Tử. Đảo ngay trước mắt mà áp thấp, gió lớn, sóng to, xuồng CQ của Hải Quân không thể đưa người vào đảo, đành neo lại giữa trùng khơi. Theo kinh nghiệm của những người thủy thủ, gió Bắc thì tàu sẽ neo ở phía Nam đảo để giảm sức ảnh hưởng của gió to, sóng lớn. 5 ngày tàu neo giữa trùng khơi là năm ngày mọi người chờ đợi, mong ngóng và hi vọng sức gió sẽ giảm, sóng hiền hòa đưa người vào đảo.
Thêm những ngày chờ đợi trên tàu là những anh nuôi lại thêm phần vất vả; gió to, sóng mạnh cũng khiến nhiều người say trở lại. Các anh bộ đội lại ân cần đến hỏi thăm, nhường cho hộp sữa hay quả cam, múi quýt. Vui nhất, là những tối cả tàu tập trung cùng nhau xem bóng đá Asean Cup có đội tuyển Việt Nam thi đấu. Tiếng hò reo cổ vũ vang lên khắp tàu, rồi người lại lắc lư theo từng con sóng. Việt Nam chiến thắng, Việt Nam vô địch hay Xuân Son đúng là son thật được hô lên nhiều lần.
Dẫu có chập chờn tín hiệu, mất tiếng, mất hình song ai cũng cảm thấy tự hào lâng lâng khi được cổ vũ đội tuyển Việt Nam thi đấu giữa biển cả mênh mông, nơi có các đảo tiền tiêu, có cột mốc chủ quyền Việt Nam và cùng mang một niềm tin Việt Nam chiến thắng, Việt Nam vô địch. Và điều đó đã trở thành sự thực khi Việt Nam vượt qua người Thái để lên ngôi vương tại giải đấu uy tín nhất khu vực Đông Nam Á.