Trường Sa - Pháo đài giữa biển - Bài 3: Xúc động lễ tưởng niệm các chiến sĩ bảo vệ Gạc Ma
Trong chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/18, chúng tôi được tham dự một nghi thức đặc biệt do Quân chủng Hải quân tổ chức.
>>> Trường Sa - Pháo đài giữa biển
>>> Trường Sa - Pháo đài giữa biển - Bài 2: Nụ cười xứ Đông giữa biển cả
Đó là lễ dâng hương, thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong sự kiện ngày 14.3.1988 trên quần đảo Trường Sa.
Tàu KN490 rền vang những hồi còi trầm hùng trên mặt sóng rồi thả neo giữa biển. Đây là vùng biển Cô Lin, Len Đao, gần đó là Gạc Ma - nơi bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào năm 1988. Giữa biển trời Trường Sa thiêng liêng và lộng gió, trước đoàn cán bộ từ đất liền ra thăm đảo đang tề tựu trang nghiêm trên sân bay tàu KN490, giọng một cán bộ Quân chủng Hải quân như nghẹn lại: Trên vùng biển Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, nơi mà cách đây 34 năm về trước, vào ngày 14.3.1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu. Với tinh thần yêu nước cháy bỏng, ý chí bất khuất, quật cường, các anh đã anh dũng chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hy sinh vì độc lập và sự trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân...
Từng nén nhang thơm cháy bùng trong gió biển dâng lên bàn thờ được lập ngay trên sân bay của tàu KN490. Từng nhánh hoa thả trôi theo sóng nước, vòng hoa tươi như vòng tròn Gạc Ma bất tử dập dềnh trên sóng đã được biển sâu ôm ấp vào lòng.
Những giọt nước mắt đã rơi, không chỉ những phụ nữ hay cựu binh từng đi qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, mà giọt nước mắt xúc động đã tràn cả trên gương mặt những người trẻ tuổi. Họ đã nghe, đã đến và biết hạnh phúc nào cũng có đau thương. Để giữ được vùng trời, vùng biển đẹp đẽ của Tổ quốc hôm nay, bao xương máu của cha ông đã đổ. 34 năm về trước, ngay ở vùng biển này, 64 cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại với biển. Máu xương của các anh đã hòa vào sóng nước. Mỗi nhánh san hô, từng hạt cát ở quần đảo Trường Sa đều mang hồn thiêng sông núi.
Sau lễ tưởng niệm, đêm 28.4, trên tàu KN490, một cô gái lần đầu đến với Trường Sa đã viết những dòng thơ thổn thức: Gạc Ma ơi! Xin gọi tên Anh/Những chàng trai mái đầu còn xanh lắm/Bức thư tình, bữa nào chưa kịp ngỏ/Mà giọt máu hồng đã nhuộm đỏ biển Trường Sa/Các Anh ơi! Đã hơn 30 năm rồi, mà lời anh vẫn còn vang vọng mãi/Giữa biển khơi, muôn trùng con sóng gọi.../Gạc Ma ơi! Em gọi tên Anh, những chàng trai không tuổi...
Trước ý đồ độc chiếm Biển Đông, tại vùng biển này, ngày 14.3.1988, với lực lượng tàu chiến hùng hậu, có trang bị vũ khí hiện đại, Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý, lẽ phải, bất ngờ tấn công, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với quyết tâm "Bảo vệ biển đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính", cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh hải quân đang xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh nhưng đã mưu trí, sáng tạo, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh, khôn khéo xử lý để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ505, HQ604, HQ605 (Lữ đoàn 125); cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. Dẫu biết rằng có thể hy sinh nhưng trước sự đe dọa cũng như hành động dã man của quân thù, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo đến hơi thở cuối cùng. Trong cuộc chiến đấu đó, trước tình thế mất đảo trong gang tấc, thiếu tá Vũ Huy Lễ đã chỉ huy tàu HQ505 vừa chiến đấu vừa lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. 64 người trẻ tuổi nằm lại mãi mãi với biển trời Trường Sa lộng gió...
Trong diễn văn tại mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam tại đảo Trường Sa ngày 7.5.1988, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc...".
Tôi đã đến thăm khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở phía đông đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Ở đó có tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời", dưới bảo tàng ngầm của khu tưởng niệm còn có 64 bông hoa muống biển tạo hình thành vòng tròn bảo vệ lá Quốc kỳ. Trong trận hải chiến ngày 14.3.1988, giữa những làn đạn xối xả của kẻ thù, 64 chiến sĩ đã nắm tay nhau thành một vòng tròn quyết tâm bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Trước khi hy sinh, thiếu úy Trần Văn Phương đã hô to: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo".
Gạc Ma-vòng tròn bất tử đã trở thành huyền thoại sống trong công cuộc giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam!