Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khi các cánh quân đồng loạt tiến về giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị chủ trương giải phóng toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa. Ngày 29/4/1975, quần đảo Trường Sa được giải phóng, trước 1 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm mươi năm qua, quân và dân trên quần đảo Trường Sa luôn đoàn kết, quyết tâm gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển.

Tháng 4 ở Trường Sa

Tháng 4 ở Trường Sa rất đặc biệt. Cách đây tròn 50 năm, ngày 14/4/1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch Bức điện lịch sử với nội dung: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Cùng ngày, vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, quân ta nổ súng tấn công đảo Song Tử Tây. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, lá cờ Tổ quốc được treo ngay lên cột cờ ở phía đông đảo. Đảo Song Tử Tây là hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng. Sự kiện này đã làm cho hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn thăm hỏi người dân trên đảo Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn thăm hỏi người dân trên đảo Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Trước những thắng lợi liên tiếp của ta trên bộ và trên biển, Bộ Tư lệnh tiền phương thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phương án đánh chiếm các đảo còn lại. Vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, các lực lượng của ta giải phóng đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975 giải phóng đảo Nam Yết; 10 giờ 30 phút ngày 28/4/1975 giải phóng đảo Sinh Tồn và đến 9 giờ ngày 29/4/1975 giải phóng đảo Trường Sa. Một ngày sau khi các đảo trên quần đảo Trường Sa được giải phóng, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, đất nước liền một dải từ Bắc đến Nam.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân - Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết, chỉ trong khoảng nửa tháng (từ ngày 14 - 29/4/1975), phối hợp với Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đất liền, Đoàn C75 thực hiện chiến dịch giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa và toàn bộ các đảo, quần đảo miền Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây được coi như “cánh quân thứ 6”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa vào chiến công chung của quân và dân cả nước.

Đã 50 năm trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước, đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Cột mốc chủ quyền tại thị trấn Trường Sa.

Cột mốc chủ quyền tại thị trấn Trường Sa.

Những ngày tháng 4 này, ở Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ hải quân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975- 29/4/2025); 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025). Người dân trên các đảo chung sức, đồng lòng, gắn kết tình cảm quân dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc nơi phên dậu của Tổ quốc. “Tình đoàn kết quân dân gắn bó như anh em một nhà, chia ngọt sẻ bùi, giữ vững ý chí để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, chị Phạm Thị Minh Châu, người dân ở đảo Song Tử Tây, tự hào.

Vững vàng nơi đầu sóng

Trung tá Cấn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết, với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự yêu thương, chăm sóc của nhân dân cả nước, sau 50 năm xây dựng, thị trấn Trường Sa nói riêng, huyện Trường Sa nói chung đã có bước phát triển vững chắc. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện; đời sống cán bộ, chiến sĩ, người dân ngày càng được nâng lên; cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Một góc đảo Sinh Tồn xanh mướt giữa đại dương.

Một góc đảo Sinh Tồn xanh mướt giữa đại dương.

Cùng với đó, phát huy vị trí đặc thù, các xã, thị trấn của huyện Trường Sa luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Hiện nay, Trường Sa có các âu tàu, làng chài, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật ở các đảo như: Đá Tây, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Tốc Tan, Trường Sa... Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão.

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đảm nhiệm cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá như ở trong đất liền nên tiết kiệm được chi phí cho ngư dân. Tại đây còn có bể chứa nước ngọt, kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt; kho lạnh và kho cấp đông bảo quản hải sản; hệ thống máy phát điện, nhà nghỉ cho ngư dân...

Bên cạnh công tác hậu cần, kỹ thuật, các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo còn thực hiện công tác dân vận, thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản trong khu vực thuộc chủ quyền nước ta và giúp đỡ ngư dân trong lúc gặp hoạn nạn, khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa luôn khắc ghi, để có những cột mốc chủ quyền sừng sững hiên ngang và trường tồn như hiện nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Có người mãi mãi nằm lại dưới tầng san hô biển mặn, hòa vào sóng gió trùng khơi, thành khúc quân ca Trường Sa trong suốt 50 năm qua, để Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng.

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/quan-su/202505/truong-sa-vung-vang-noi-dau-song-c8f0273/