Trường Sơn - Phu Luông, hai mái ân tình

(QTO) - Sao vẫn cứ bâng khuâng khi đọc lại những câu thơ của"Con chim lửa Trường Sơn" Phạm Tiến Duật: “Một dãy núi mà hai màu mây/Nơi nắng, nơi mưa, khí trời cũng khác…”. Thời gian, bối cảnh để hai câu thơ trong bài thơ nổi tiếng ấy ra đời cũng đã xa xôi. Thế mà chẳng hiểu sao tôi lại nhớ tới một kỷ niệm với những cô gái Lào. Lần đầu tiên tôi bất ngờ được gặp họ khi chiến tranh chống Mỹ chưa kết thúc. Năm ấy, tôi mười sáu tuổi, đang học ở Trường cấp 3 Bố Trạch, Quảng Bình đóng ở xã Cự Nẫm. Trưa đi học về, khi bước vào nhà trọ tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có mấy cô gái lạ mặc váy bó đang nói cười vui vẻ. Trẻ, xinh. Đương nhiên là thế rồi. Họ khá giống nhau ở khuôn mặt bầu bầu, da trắng hồng và… bắp chân đều to. Các cô gái nhìn tôi đang đứng như trời trồng ở bậc cửa, cười rất tươi và nói: “Chào chàng trai Việt nhé!”. Tôi thoáng nghĩ, các cô gái này chắc không phải người Việt mà sao nói tiếng nước ta sõi thế.

Đúng vậy, các cô gái là diễn viên của đoàn văn công Quân giải phóng Lào sang Việt Nam học tập. Họ đang nghỉ ở đây để chuẩn bị vượt Trường Sơn về nước phục vụ cho bộ đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam. Ấn tượng với tôi về các cô gái “có bắp chân to” là ai cũng hiền lành, cởi mở và hát hay. Tôi thấy họ hay hát bài Lăm tơi của Lào và bài Cây trúc xinh của Việt Nam. Khi các cô gái cất lên bài hát Lăm tơi, tôi thấy má ai cũng ửng hồng, đôi mắt long lanh theo vũ điệu mềm mại. Xa hơn, tôi hình dung về đất nước Triệu Voi ở phía Tây trùng điệp Trường Sơn mà bạn gọi là Phu Luông với miên man rừng già và vầng trăng tỏa sáng trên những đóa hoa chăm pa tinh khôi thơm nồng. Chăm pa thơm khi ở trên cành và thơm cả lúc rụng xuống đất và càng thơm hơn, thơm đến nao lòng người vào những đêm vằng vặc trăng núi.

Tôi ngầm so sánh mỗi cô gái Lào tôi may mắn được gặp lần ấy là một vầng trăng sáng, một đóa chăm pa đẹp. Tôi cất giữ kỷ niệm ấy thật lâu để sau này khi viết bài thơ Nghe hát lăm tơi đã bồi hồi mang nó vào thi phẩm của chàng binh nhì mười tám tuổi: Ngỡ như được múa với em/Khúc lăm tơi ấy giữa đêm trăng Lào/ Gió về, hoa trắng lao xao/Hoa quen, câu hát quen sao ơi người!/ Anh không hát được lăm tơi/ Nhưng yêu đất ấy, yêu rồi từ lâu/Ơi dòng suối đổ về đâu/Mà nên câu hát trao nhau bây giờ/ Biết nhau từ những ngày xưa/Phu Luông một dải nắng mưa hai miền/Chăm pa năm cánh hoa hiền/Phải trăng của biển đã lên với rừng/Giữa mùa lúa ngát lưng nương/ Chim buông hương nắng, mây vương mái sàn…

Bài thơ trong trẻo như tuổi thanh xuân của tôi được khởi nguồn từ hình ảnh các cô văn công Lào mà mình được gặp vài năm về trước. Những nàng tiên núi xinh xắn, hồn hậu có bắp chân hơi to đã in sâu vào ký ức của tôi. Đôi khi, tôi tự hỏi có cô gái nào đã đọc bài thơ Nghe hát lăm tơi của mình chưa và trái tim nàng có ngân rung không khi nghe một chàng trai Việt đắm đuối đất nước vầng trăng-chăm pa đến thế.

Sau này, khi làm nhà ở thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị tôi đã trồng một cây đại (chăm pa) ở góc sân như muốn ký thác vào đó những thầm thì yêu dấu tuổi hoa niên với cô gái Lào trẻ nhất đoàn văn công nước bạn đã dạy cho tôi hát lăm tơi. Cây đại đứng đó hơn hai mươi lăm năm rồi, khi hạ về lá um tùm xanh biếc và thấp thoáng những cánh thơm nhẹ nhàng, thổn thức.

 Bảo tàng truyền thống liên minh chiến đấu Việt - Lào tại Bản Đông, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet - Ảnh: M.T

Bảo tàng truyền thống liên minh chiến đấu Việt - Lào tại Bản Đông, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet - Ảnh: M.T

Nhắc đến trăng lại nhớ đến trăng. Một đêm trăng mênh mang, ghi dấu tình hữu nghị Việt-Lào. Biết bao nhiêu câu chuyện về tình cảm đặc biệt giữa hai đất nước cùng chung dãy Trường Sơn. Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà-Cửu Long. Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người bạn thân thiết của dân tộc Lào đã có câu thơ giản dị mà sâu sắc về tình đoàn kết của hai nước như thế. Chắc chắn nó sẽ tỏa sáng mãi trong lòng hai dân tộc như một minh chứng dễ nhớ và rất vững bền về sự gắn bó ViệtLào mà cho đến hôm nay chẳng nơi nào có được.

Ân tình ấy đâu phải chỉ mới ngày một, ngày hai mà nó đã được khai mở, bồi đắp từ rất lâu rồi, trong các chặng đường chung lưng đấu cật chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc. Ân tình ấy, đâu chỉ đo bằng các hiệp ước hữu nghị, hiệp ước hợp tác như chúng ta đã biết mà nó được tạo dựng bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ. Hai dân tộc có số phận khá giống nhau, khổ nghèo và lạc hậu, bị áp bức bóc lột đã cùng đi qua những cuộc chiến tranh giữ nước. Chúng ta là anh em, là đồng chí cùng chia bùi sẻ ngọt, cùng gánh gồng, dấn bước trên muôn dặm gian lao.

Chiến tranh. Bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa Thét Lào cùng chung một chiến hào đánh giặc và không ít người ngã xuống trên xứ sở chămpa. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại có đoạn len lỏi giữa rừng Lào. Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây, nối liền nhau như tình yêu rộng dài vô tận. Bên nắng đốt, bên mưa quây, vẫn vằng vặc ân tình đồng chí, đồng bào, tình quốc tế vô sản trong sáng. Hòa bình. Việt-Lào hợp tác giúp đỡ nhau xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Việt-Lào cùng nhau giữ gìn ân nghĩa thủy chung trước muôn vàn mưu sâu kế hiểm thâm độc của kẻ xấu nhằm rẽ chia hai dân tộc. Đâu dễ dàng chi để đó và đây Dù ai nói ngả, nói nghiêng/Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Không thể nói khác được, mối ân tình rất đặc biệt. Đặc biệt bởi lúc nào cũng biết thương nhau, trọng nhau; thương bạn như thương mình, giúp bạn là giúp mình. Ân tình ấy là di sản vô giá của hai dân tộc Việt-Lào.

 Cầu treo Đakrông -Ảnh: K.T

Cầu treo Đakrông -Ảnh: K.T

Vâng, dưới ánh trăng dọi chiếu hai mái Trường Sơn, tôi xin kể câu chuyện này. Chuyện liên quan đến hai người đã về nơi chốn vĩnh hằng. Một người rất nổi tiếng, được nhiều người Lào và Việt Nam biết tới và kính trọng. Đó là cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Cay Xỏn Phôm Vi Hản. Còn một người nữa đó là ông Hoàng Đông Tùng, ở số nhà 396B Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là người Việt Nam kết nạp đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông Tùng giờ đã mất nhưng kỷ niệm về cuộc gặp gỡ vào ngày 15/6/1997 với người đảng viên-chiến sĩ lão thành đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

Trước đó, trong buổi làm việc với tạp chí Văn nghệ Quân đội về cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về tình hữu nghị Việt-Lào”, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh có nhắc tới ông Hoàng Đông Tùng. Tổng biên tập tạp chí, nhà văn Nguyễn Trí Huân cử tôi đến gặp nhân vật lịch sử đặc biệt này. Quả là may mắn với một “tân binh” Nhà số 4 như tôi và vui hơn khi được đi cùng Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh. Tôi bị hút vào câu chuyện của ông: “Năm 1948, bác đang phụ trách chính trị viên E.97 cũng là bí thư E. ủy thì được Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 10 giao đi làm nhiệm vụ quốc tế. Nhiệm vụ cụ thể là lựa chọn một số cán bộ chiến sĩ trung kiên ở E.97 kết hợp với 4 đồng chí cán bộ người Lào tổ chức một đội hoạt động bí mật xây dựng căn cứ cách mạng Lào Bắc gồm 4 tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng. Đội công tác mang tên “Đội xung phong Lào Bắc”. Trong 4 cán bộ người Lào có đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản. Đồng chí Cay Xỏn được giao nhiệm vụ đội trưởng, còn bác làm chính trị viên cũng là bí thư chi bộ…”.

Tôi còn nhớ trong thoáng im lặng, gương mặt ông Tùng hiện lên những nét xúc động khi nhớ lại những năm tháng xa xưa. Giọng ông trầm xuống: “Sau buổi gặp mặt nhận nhiệm vụ, 16 anh em trong đội cùng ăn với nhau một bữa cơm không muối. Tối ấy, đồng chí Cay Xỏn bàn công việc với bác. Cầm chặt tay bác, Cay Xỏn nói: Từ nay, chúng tôi gọi anh là Thao Si Son Phăn nhé. Anh đã là con của nước Lào, chúng ta tuy hai mà một anh ạ!”. Thời gian ông Hoàng Đông Tùng sống với đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản chưa đầy một năm (từ tháng 6 năm 1948 đến tháng 4 năm 1949) nhưng đó là quãng đời nhiều ý nghĩa nhất đối với ông.

Có lẽ, lúc ấy anh thanh niên Việt mới ngoài 30 tuổi chưa hề nghĩ tới người đội trưởng có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng, rất thích hát dân ca Lào sau này giữ chức vụ cao nhất của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Qua công tác, chi bộ thấy đội trưởng Cay Xỏn Phôm Vi Hản rất xứng đáng được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng vẫn phân vân chưa dám làm vì đồng chí ấy ở với anh em chưa đủ một năm theo như quy định. Sau khi được Quân khu ủy nhất trí thì đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đêm đồng chí đội trưởng đội xung phong Lào Bắc giơ tay thề trước cờ búa liềm là một đêm trăng sáng. Trăng Lào như đóa chăm pa phảng phất hương chùa lại mênh mang như hồn sông Mê kông.

Trong mùa đông năm 1948 ấy, bên dòng suối róc rách cạnh hang đá Lao Măng có hai người đồng chí, hai người anh em, một Việt, một Lào ngồi bên nhau tâm sự. Họ cùng nói tới quê hương, đất nước đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nói tới nỗi khổ đau và khát vọng giải phóng, cuộc sống hòa bình của Nhân dân. Khát vọng ấy như một sự huyền diệu, đã hóa thành vầng trăng tròn vành vạnh tỏa sáng giữa lá cờ Tổ quốc Lào. Đó cũng là gương mặt thủy chung son sắt không có gì ngăn cản nổi của tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào được bao lớp người ưu tú của hai dân tộc vun đắp lên. Để Trường Sơn-Phu Luông, hai mái ân tình mãi mãi không nhạt phai.

Tùy bút Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=170048&title=truong-son--phu-luong-hai-mai-an-tinh