Trường THCS Trần Quốc Toản đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Việc lựa chọn ứng dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin (CNTT) một cách phù hợp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập của ngành giáo dục. Từ nhận thức đó, thời gian qua Trường Trung học cơ sở (THCS) Trần Quốc Toản (thành phố Phủ Lý) luôn chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV), đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục một cách toàn diện.
Ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập bắt đầu được Trường THCS Trần Quốc Toản thực hiện từ năm 2018 và đẩy mạnh quyết liệt hơn từ năm 2021 đến nay. Hằng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích CBGV tích cực, chủ động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy và học; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội hóa để mua sắm, trang bị máy vi tính, máy chiếu, tivi, thiết bị CNTT, đưa internet vào trường học... Thầy giáo Nguyễn Xuân Bình (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản) cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý. Nhà trường đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng internet; khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ dạy học và quản lý; tổ chức tập huấn cho CBGV sử dụng các phần mềm liên quan. Nhờ triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT đã giúp công tác quản lý, dạy học được thực hiện khoa học, bài bản hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.
![Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy tại Trường THCS Trần Quốc Toản tạo sự hứng thú, giúp học sinh tiếp nhận tốt kiến thức bài giảng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_427_51417046/d475ad63952d7c73253c.jpg)
Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy tại Trường THCS Trần Quốc Toản tạo sự hứng thú, giúp học sinh tiếp nhận tốt kiến thức bài giảng.
Để hỗ trợ CBGV trong việc tiếp cận với các ứng dụng CNTT mới nhất, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, hướng dẫn, giới thiệu các phần mềm mới để giáo viên có thể chủ động thiết kế, soạn giáo án, bài giảng điện tử phù hợp, sinh động nhằm phục vụ công tác giảng dạy. Sau một thời gian triển khai, việc khai thác sử dụng hình ảnh, âm thanh, văn bản, biểu đồ... được trình bày qua máy vi tính trong các tiết học đã giúp các em học sinh tiếp cận với kiến thức một cách dễ dàng, nhanh chóng, tạo sự hứng thú cho các em khi tiếp thu bài giảng của thầy, cô. Nhiều giáo viên đã chủ động trang bị máy vi tính cá nhân phục vụ cho việc giảng dạy tại trường, phát huy tính sáng tạo trong xây dựng giáo án và chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên, tạo môi trường học tập hấp dẫn cho học sinh.
Với thâm niên hơn 11 năm công tác tại trường, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Ngà, chia sẻ: Việc giảng dạy bằng giáo án điện tử đã tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều thời gian đặt câu hỏi, giúp học sinh phát huy được tính tích cực trong học tập cũng như khám phá, sáng tạo nội dung bài học, tiếp thu bài giảng có hiệu quả. Với điều kiện cơ sở vật chất của trường ngày một hiện đại, các lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học số, chúng tôi thường xuyên sử dụng những phần mềm như Padlet- một ứng dụng học tập để giáo viên và học sinh tương tác với nhau, Power Point, phần mềm vẽ hình... để hỗ trợ soạn giáo án bài giảng. Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn các em học sinh truy cập vào các ứng dụng như OLM, trang web onluyen.vn, Quizizz… để có thể học tập, ôn luyện, bổ sung thêm kiến thức bài giảng đã học trên lớp. Từ các tiết học vốn khô khan, giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, đã trở nên sinh động, hấp dẫn; học sinh được học, cập nhật kiến thức qua hình ảnh, âm thanh, đồ họa nên dễ nhớ, dễ thuộc bài; chất lượng các tiết học cũng vì thế được nâng cao hơn nhiều.
Việc ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy của Trường THCS Trần Quốc Toản đã có những tác động tích cực, nhanh chóng làm thay đổi tư duy, tác phong làm việc của mỗi CBGV. Theo đó, đội ngũ giáo viên đã chủ động tự học, tự rèn, tìm kiếm nguồn thông tin, kiến thức, để nâng cao trình độ và kỹ năng sử dụng máy vi tính; nghiên cứu thiết kế giáo án và giảng dạy trên máy tính khiến tiết học trở nên sinh động hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với cách dạy theo phương pháp truyền thống. Toàn trường đã “phủ sóng” máy tính và các thiết bị CNTT tại 36/36 lớp học. Hiện 100% các lớp học đều được kết nối mạng internet; 100% CBGV quản lý ứng dụng CNTT vào nhiệm vụ chuyên môn; thực hiện soạn giáo án điện tử…
Với sự hỗ trợ của các phần mềm giáo dục, đa số giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản đã bắt kịp nhanh với việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy; xây dựng và thực hiện giáo án điện tử; đổi mới hình thức lên lớp bằng các bài giảng trình chiếu, mang đến cho học sinh những giờ học hấp dẫn, sinh động. Những thành công trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đang tiếp tục được đội ngũ CBGV và học sinh trong nhà trường tiếp tục phát huy hơn nữa trong năm học 2024- 2025.