Trường Tiểu học Mai Thị Non: Tiếp nối truyền thống người anh hùng
Trường Tiểu học Mai Thị Non (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là một trong những trường có bề dày thành tích nổi bật và là trường tiểu học duy nhất của huyện Bến Lức nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ngôi trường có nhiều thành tích
Tọa lạc thị trấn Bến Lức, Trường Tiểu học Mai Thị Non có khuôn viên tương đối rộng. Sân trường rợp bóng cây, sạch đẹp, hành lang lớp học đều có hoa và cây xanh tạo nên một mảng xanh nổi bật giữa thị trấn.
Trường có diện tích hơn 13.000m2 với 32 phòng học, 9 phòng chức năng, 6 phòng hành chính, một khu nhà ăn và bãi tập. Với cơ sở vật chất đó, trường bố trí 1 phòng học/lớp, dạy học 2 buổi/ngày cho 100% các lớp khối 1, 2, 3, 4, 5 theo đúng quy định.
Với hơn 1.000 học sinh (HS) mỗi năm học, do dân nhập cư ngày nhiều nên số lượng HS các lớp của trường hầu hết đều vượt so với quy định. Điều đó tạo nên những khó khăn nhất định trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, thầy và trò Trường Tiểu học Mai Thị Non nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
HS trường giữ nền nếp trong hoạt động học, ngoan ngoãn, lễ phép. Hàng năm, số HS hoàn thành chương trình lớp học đều đạt hơn 99%, HS được khen thưởng đạt khoảng 50%. HS, giáo viên của trường còn tham gia đầy đủ các hội thi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và đạt nhiều thành tích nổi bật. Các tổ chức đoàn thể của trường đều hoạt động sôi nổi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mỗi năm học.
“Trường vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2005. Hiện trường có 2 giáo viên là Nhà giáo Ưu tú. Riêng trong năm học 2023-2024, trường đề nghị 2 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Toàn trường có 9 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Tập thể trường đang được đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, đồng thời tặng bằng khen cho tập thể” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Thị Non - Hồ Đắc Trung cho biết.
Câu chuyện về người anh hùng
Trường Tiểu học Mai Thị Non thành lập từ năm 1950, tiền thân là Trường Tiểu học Thị Trấn Bến Lức. Năm 1994, trường chính thức được mang tên nữ anh hùng liệt sĩ Mai Thị Non.
Nữ anh hùng liệt sĩ Mai Thị Non sớm giác ngộ cách mạng và anh dũng hy sinh trong một lần đánh bom ở Chi cảnh sát huyện, tạo nên một “đòn sấm sét” đánh vào hang ổ kẻ thù, khiến chúng phải khiếp sợ.
Mai Thị Non sinh năm 1951 tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, trong một gia đình nông dân nghèo. Chị giác ngộ cách mạng từ khi mới 13 tuổi và tham gia công tác giao liên.
Với vỏ bọc là một HS, mỗi ngày trên đường đi học, chị dò la tin tức, nắm bắt hoạt động của bọn tề ấp, tề xã, đồn bót,...; đồng thời, nhận nhiệm vụ chuyển tài liệu, công văn cho cách mạng.
Biết ngày 16/6/1969 (có tài liệu ghi là 13/6/1969) sẽ có cuộc họp quan trọng ở Chi cảnh sát huyện với nhiều tên đầu sỏ, cố vấn Mỹ về dự. Đây là cơ hội để tấn công Chi cảnh sát, tiêu diệt ác ôn, Mai Thị Non đề xuất kế hoạch và nhận nhiệm vụ trực tiếp đánh bom Chi cảnh sát.
Sáng hôm đó, trong bộ áo dài trắng tinh khôi, chị ôm chiếc cặp HS, bên trong đặt bom hẹn giờ, đến cổng Chi cảnh sát và xin vào gặp trưởng chi để báo tin gấp. Tuy nhiên, bọn lính gác kiên quyết không cho chị vào, khiến thời gian chậm trễ.
Khi nhận thấy bom sắp nổ, chị quyết định hành động táo bạo, chấp nhận hy sinh và lao thẳng vào bên trong Chi cảnh sát, chạy thẳng về phía phòng họp. Quả bom phát nổ khiến Mai Thị Non bị thương nặng, 4 tên cảnh sát chết và 2 tên Mỹ bị thương, số còn lại hoảng sợ xô đẩy nhau chạy trốn.
Bọn địch bắt được chị, chúng tra khảo dã man nhưng nữ anh hùng Mai Thị Non kiên quyết không khai báo và chị hy sinh ngay sau đó. Năm 1995 (có tài liệu ghi 1996), chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tấm gương về nữ anh hùng được đời sau khắc ghi và nhắc nhở. Trên sân Trường Tiểu học Mai Thị Non, tượng và tiểu sử của nữ anh hùng được trang trọng đặt trong tiểu công viên. HS được học về tiểu sử chị ngay những ngày đầu năm học mới, trong các tiết học giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm. “Hàng năm, vào dịp lễ, tết, nhà trường tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà gia đình nữ anh hùng Mai Thị Non như một cách thể hiện lòng tri ân” - thầy Hồ Đắc Trung cho biết thêm./.