Trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) bị tố trù dập giáo viên (Bài 1)
Thời gian vừa qua, cô Nguyễn Thị Tuất – GV Trường Tiểu học Sài Sơn B, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) phản ánh, bị nhà trường trù dập, HS quậy phá, hành hung trên lớp học…
Báo GD&TĐ đã tiếp cận, ghi nhận ý kiến, quan điểm của các bên liên quan với mong muốn mang đến cái nhìn khách quan, đa chiều về vụ việc này.
Bài 1: Điều qua, tiếng lại
Cô Tuất chia sẻ bị nhà trường trù dập sau khi tố cáo có biểu hiện thu chi không lành mạnh và bị học sinh hành hung trong khi không ít phụ huynh và đồng nghiệp lại cho rằng cô hành xử không đúng vai trò nhà giáo, tự cô lập và khiếu nại kéo dài.
Cô Tuất: Tôi đã nhiều lần báo cáo
Phản ánh với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Tuất – giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B cho biết: Về công tác tại Trường Tiểu học Sài Sơn từ năm 1991 (sau khi tách trường là Tiểu học Sài Sơn B - PV), cô được phụ huynh tín nhiệm, nhiều người xin để con em của họ được học lớp của cô.
Từ đó đến nay, cô Tuất nhiều năm được UBND huyện Quốc Oai, ngành Giáo dục khen thưởng. Đặc biệt, có một số năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Sự việc bắt đầu từ việc cô Tuất cùng chồng - là thầy Phan Viết Nhân (GV Trường Tiểu học Sài Sơn B) - phát hiện và tố cáo lãnh đạo nhà trường thu nhiều khoản vô lý. Năm 2019, lớp 2A do cô chủ nhiệm có 4 phụ huynh gửi đơn lên nhà trường yêu cầu đổi GV chủ nhiệm. “4 phụ huynh cho rằng tôi vi phạm đạo đức, đối xử với anh em, hàng xóm không tốt. Mặc dù chuyên môn, kiến thức không chê...” - cô Tuất nói.
Theo cô Tuất, ngoài 4 phụ huynh trên, đa số phụ huynh có đơn đề nghị để cô tiếp tục dạy học. “Dạy hè lớp 2A năm đó tôi xin nghỉ để giảm áp lực, tuy nhiên sau đó nhà trường chuyển tôi sang chủ nhiệm lớp 2D... Cuối năm học, HS lớp 2D đều tiến bộ, phụ huynh ghi nhận, nhưng tôi vẫn bị hội đồng nhà trường xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để năm học sau không cho làm GV chủ nhiệm…” - cô Tuất cho biết.
Đặc biệt, năm học 2020 - 2021, cô Tuất bất ngờ được BGH nhà trường phân công dạy môn Lịch sử và Địa lý của khối 4 và khối 5. Không lâu sau, lại xuất hiện nhiều đơn của phụ huynh khối 5 đề nghị không cho cô Tuất giảng dạy.
Cô Tuất cho biết đã nhiều lần bị cho nghỉ dạy không lý do và sắp xếp công việc không phù hợp. “Tôi tiếp tục bị phân công làm các công việc khác như vệ sinh phòng học, trực công tác phòng dịch, làm GV dự bị... rồi dạy Lịch sử và Địa lý khối 4, khối 5. Và đến nay là viết sổ đăng bộ nhà trường...” - cô Tuất kể.
Vào ngày 18/1, Sở GD&ĐT Hà Nội có về trường kiểm tra việc thu chi. “Hai hôm sau, khi tôi lên lớp, HS các lớp khối 5 liên tục quậy phá, lấy thước, dép dứ vào mặt tôi. Tôi không mắng, chỉ nhắc nhở các con không được làm thế. Đặc biệt, tiết học tại lớp 5D, các cháu lấy bút viết, lấy điện thoại, trùm áo đồng phục lên cướp đồ, lấy thước đánh tôi, dùng dây chun bắn giấy vào mắt tôi khiến tôi phải đi viện chữa trị. Tôi đã nhiều lần báo cáo việc này tại các buổi họp hội đồng, báo cáo chính quyền địa phương...” - cô Tuất nhớ lại.
“Tuy vậy, tất cả những phản ánh, kiến nghị của tôi từ lâu chưa được cơ quan chức năng giải quyết thấu tình đạt lý nên tôi phải tiếp tục có ý kiến”, cô Tuất bày tỏ.
Tiếng nói ở chiều bên kia
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi ghi nhận nhiều thông tin trái chiều. Không ít phụ huynh HS phàn nàn về việc cô Tuất hành xử không đúng vai trò của nhà giáo, thường xuyên bỏ bê giờ dạy; tập trung ghi hình HS trong lớp để đăng tải lên mạng.
Chị Nguyễn Thị Thơm - phụ huynh HS lớp 4A bày tỏ: Hoàn toàn không có chuyện phụ huynh cấu kết với nhà trường xúi giục con chống lại cô. Chúng tôi cho con đi học, ngoài kiến thức còn học làm người. Nếu làm những việc như cô nói thì khác nào tự hại con mình. Trong giờ dạy học nhưng cô không giảng bài, luôn sử dụng điện thoại quay các cháu như thế có vi phạm quy định của ngành GD không?
Ông Nguyễn Trọng Hùng - có cháu nội đang học lớp 5B – chia sẻ: Không chỉ gia đình tôi mà nhiều phụ huynh khác không đồng ý với cách hành xử của cô giáo. Thời gian trước, con tôi cũng là học trò của cô Tuất và cô cũng đã có biểu hiện thiếu chuyên tâm, nhiệt tình trong dạy học. Nhiều phụ huynh đã phản ánh và đề nghị không để một người thiếu nhiệt tâm trong giảng dạy, đứng lớp.
Nhưng các GV trong trường vẫn ủng hộ, động viên để cô được chủ nhiệm. Tôi hiểu là BGH ứng xử nhân văn, đồng nghiệp muốn giữ uy tín cho cô và để cô có điều kiện phấn đấu. Qua việc này, đề nghị các cơ quan chức năng phải xem xét xử lý rõ ràng. Không để sự việc kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, người thiệt thòi chính là HS.
Ông Phan Trọng Sơn - ông của một HS lớp 5B cho biết: “Chỉ còn mấy tháng nữa là cháu của tôi chuyển cấp mà chất lượng dạy học như thế khiến chúng tôi lo lắng. Các cháu còn cả tương lai phía trước mà cô giáo phê vào học bạ những ý kiến thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tính GD thì không nên. Việc cô cho rằng nhà trường trù dập là không đúng sự thật. Không nên để cô tiếp tục chủ nhiệm lớp là mong muốn của phụ huynh”.
Về ý kiến phản ánh: Trong quá trình công tác cô Nguyễn Thị Tuất luôn bị cô lập? Nhiều giáo viên khi được hỏi cho biết: Chúng tôi công tác cùng cô Tuất từ lâu, có người đồng hành với cô gần 30 năm.
Chúng tôi không chỉ là đồng nghiệp mà còn là hàng xóm láng giềng của nhau. Nhiều GV trong trường còn có quan hệ họ hàng gần với gia đình chồng cô Tuất. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, ứng xử trong cuộc sống, cô Tuất tự cô lập mình. Ở môi trường làm việc nào, cô Tuất cũng không hòa đồng và thường gây xích mích với đồng nghiệp.
Để giúp đỡ cô Tuất, giáo viên trong trường đã động viên và bầu cô vào Ban chấp hành Công đoàn trường nhưng cô không đi họp, không đóng quỹ công đoàn cũng như các quỹ ủng hộ do công đoàn nhà trường phát động”.
Về thông tin cô Tuất bị điều chuyển làm công việc vệ sinh trường lớp, cô Nguyễn Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn B cho biết: Sau đợt nghỉ dịch Covid- 19, tất cả GV đều đến trường cùng dọn vệ sinh trường lớp; luân phiên nhau đón và kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn HS phòng chống dịch.
“Ban giám hiệu không phủ nhận những đóng góp và thành tích của cô Nguyễn Thị Tuất có được trước đó. Bản thân cô Tuất từng có 6 năm (không phải liên tục) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Tuy nhiên, bản thân cô Tuất không cố gắng bồi dưỡng thêm nghiệp vụ, không tiếp thu những góp ý của đồng nghiệp” - cô Quyên chia sẻ.
Liên quan đến sự việc, ông Đỗ Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Sài Sơn thông tin: “Nhiều lần cô Tuất lên xã trình bày bức xúc về một số hoạt động của nhà trường. Chính quyền xã đã yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường giải quyết đúng quy định, bảo đảm ổn định, trật tự nền nếp dạy học.
Việc nhiều phụ huynh không đồng ý để cô Tuất đứng lớp là có thật, nhưng chính quyền xã yêu cầu nhà trường giải quyết theo quy định và thẩm quyền chứ không phải vì phụ huynh HS phản đối.
Hay như việc trong giờ dạy của cô Tuất, HS không tập trung học mà có những hành vi không đúng, chính quyền xã cũng yêu cầu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh nhắc nhở, bảo ban các em chấp hành các quy định của trường, lớp học.
Việc liên quan đến cô Tuất trong thời gian vừa qua đều được hiệu trưởng nhà trường kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường trong quá trình giải quyết sự việc cố gắng hài hòa những khúc mắc của cô Tuất cũng như ý kiến của phụ huynh HS…
Sáng 29/3, UBND huyện Quốc Oai tổ chức buổi công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung trong đơn thư phản ánh của cô Nguyễn Thị Tuất, GV Trường Tiểu học Sài Sơn B tố cáo bị nhà trường trù dập gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Uy, Chánh Thanh tra huyện Quốc Oai cho hay, quá trình thanh tra sẽ diễn ra công khai, minh bạch, bảo đảm không ảnh hưởng đến quá trình dạy học của nhà trường. Buổi công bố có sự tham gia của cô Nguyễn Thị Tuất, GV Trường Tiểu học Sài Sơn B.
Phát biểu tại buổi công bố thanh tra, ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đề nghị đoàn thanh tra xác minh một cách đầy đủ, khách quan các mặt của sự việc, bảo đảm khẩn trương nhưng cần chính xác. Ông Ưng cũng nhấn mạnh, qua sự việc vừa qua cần chấn chỉnh các hoạt động tổ chức dạy học trên địa bàn huyện.
(còn nữa)