Truông Vắn - Huyền sử và di tích

Làng Động Gián xưa, nay là thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) có con đường qua núi sang xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà hiện nay gọi là Truông Vắn hoặc Truông Ghép, tương truyền do cố Ghép (còn gọi là cố Đương) mở.

Đây là con đường vượt núi ngắn nhất từ huyện Nghi Xuân sang làng Yên Tập, xã Tân Lộc, huyện Can Lộc (nay là làng Tân Thành, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà).

Hơn 500 năm đã qua, đến nay, đường Truông Vắn vẫn còn nguyên dấu tích. Đường Truông Vắn được ghép bằng những bậc đá theo bước chân đi, từng tảng đá bằng phẳng, độ dài khoảng 1.400m, được thiết kế theo hình chữ V, góc khuỷu là đỉnh truông. Số bậc đá có 1.645 bậc, lát cả 2 sườn núi lên và xuống. Đường truông thiết kế lách chéo sườn núi nhằm giảm độ dốc và dòng chảy mùa mưa. Quãng không lát đá là đất đồi thoải ra hai múi chân truông (*). Người có công làm nên Truông Ghép, được dân gian gọi là cố Ghép.

Bia Truông Vắn ở làng Động Gián xưa, nay là thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh).

Bia Truông Vắn ở làng Động Gián xưa, nay là thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh).

Gia phả họ Ngô làng Động Gián chép: Cố Ghép là bậc cao cao tổ khảo, tên thật Ngô Trát, người ở xóm Trại, thôn Yên Thịnh, làng Động Gián xưa, nay thuộc thôn Song Nam, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Sinh sống vào thời Hậu Lê, tức thời Lê Trịnh trở về sau (1553-1788)(*). Ông là người được học hành, hiểu biết đạo lý. Đương thời giữ chức lý trưởng đương thứ ở làng Động Gián, làm nhiệm vụ quản lý chính quyền cơ sở, đảm đương, lo liệu việc làng xã. Ngày xưa có tục lấy chức tước, địa vị xã hội, nghề nghiệp đặt làm tên hiệu. Cố Đương là gọi theo chức vụ của cụ Ngô Trát.

Người ghép đá mở đường vượt ngọn Đoản Sơn trong dãy núi Hồng Lĩnh được dân gian tặng biệt hiệu: Cố Ghép. Nhiều sách địa chí, tài liệu ở Nghi Xuân, Can Lộc ghi chép: Người định hướng công trình Truông Ghép là Hoàng giáp Phan Đình Tá, người làng Hàm Anh, xã Tân Lộc, huyện Thiên Lộc (nay là Tân Lộc, Lộc Hà) đời Lê Hiến Tông làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại. Người thi công: Câu đương (xã quan, lý trưởng) Ngô Trát được triều đình phong tước Thập Lý Hầu, ban phong chức Phó sứ Đồn điền, thăng chức Tướng sĩ lang dự hàng Kỳ lão thôn Yên Thịnh, làng Động Gián xưa.

Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện Truông Ghép. Tương truyền vào khoảng đời Lê sơ, có xóm Trại, thôn Yên Thịnh, làng Động Gián ở dưới chân núi mưu sinh bằng nghề đánh cá trên biển. Vào một năm loạn lạc tai ương bão tố làm người chết, thuyền bè, ngư cụ tan nát. Ngư dân sống sót tạm thời bỏ nghề chài lưới, rủ nhau lên núi lấy củi để sống qua ngày đoạn tháng. Dân xóm Trại thành tiều phu. Hàng ngày họ lên núi đốn củi, lâu dần thành nghề đi rú.

Mộ hợp táng của vợ chồng cố Ghép, còn gọi cố Đương, tên thật Ngô Trát và Đinh Thị Pha.

Mộ hợp táng của vợ chồng cố Ghép, còn gọi cố Đương, tên thật Ngô Trát và Đinh Thị Pha.

Rú Hồng Lĩnh chạy ngang ra biển theo hướng Tây sang Đông. Làng ở dưới chân núi, sườn Đông Bắc nhiều dốc, núi trọc dựng đứng, đá lởm chởm sắc nhọn rất khó vượt qua. Rừng lấy củi chủ yếu ở sườn Tây Nam. Từ xóm Trại, thôn Yên Thịnh, Động Gián, người tiều phu phải đi vòng vèo men theo con đường duy nhất “ba động bảy đèo” gập ghềnh nguy hiểm qua các làng Yên Tập, Hàm Anh ở sườn Tây Nam mới đến được nơi lấy củi, cách xa nơi xóm Trại khoảng nửa ngày đường.

Đứng trước cuộc mưu sinh của người dân Yên Thịnh, cố Đương (Ngô Trát đang làm câu đương), đã men theo sườn núi đến làng Hàm Anh, tham khảo ý kiến Hoàng giáp Phan Đình Tá tìm cách mở đường tắt vượt dốc lên núi lấy củi. Phan Đình Tá bước ra sân chỉ lên Ngàn Hống nói với cố Đương: “Đoản Sơn, nơi có thể mở đường từ xóm Trại lên núi”. Nhìn sườn núi hiểm trở, cố Đương nghĩ, nếu không ghép đá thành bậc thang thì không thể vượt lên dốc núi được. Trở về cố đưa ý định bạt núi mở đường bàn với vợ. Bà Đinh Thị Pha cho là việc làm điên rồ. Không từ bỏ dự định mở đường, cố Đương đã họp làng bàn việc mở đường tắt vượt Đoản Sơn sang bên Yên Tập, Hàm Anh.

Cố Đương bảo mọi người: “Mỗi lần đi rú phải vòng vèo, đường xa mất nhiều giờ mới đến được chỗ lấy củi thật bất tiện. Chi bằng ta phá đá mở đường qua Đoản Sơn sang nơi lấy củi gần hơn nhiều”. Hầu hết, chức sắc làng Động Gián đồng thanh bảo: “Vượt Đoản Sơn sang bên kia rú lấy củi tiện lợi thật. Nhưng không được đâu cố Đương ơi, chúng ta còn phải kiếm ăn hàng ngày nữa chứ”. Mọi người không đồng tình mở đường tắt.

Mặc cho làng xã, người dân từ chối việc mở đường, bà vợ quyết liệt can ngăn, cản trở, chí đã quyết, cố Đương một mình mang cơm cà lên núi san đất, đào cây, phá núi, vác đá ghép thành bậc thang để mở một con đường lên thẳng ngọn Đoản Sơn. Ngày này sang ngày khác, sớm đi tối mịt mới về, một mình làm việc nặng nhọc mà không nản chí. Ban đầu, sáng lên núi mở đường, tối về nhà nghỉ ngơi cùng vợ con. Về sau, để tiện việc làm đường, cố Đương dựng một túp lều cỏ cạnh nơi làm việc cho tiện.

Đường đất lên Truông Vắn do lực lượng quân đội khôi phục.

Đường đất lên Truông Vắn do lực lượng quân đội khôi phục.

Ban đầu, vợ cố Đương không tán thành việc làm của chồng không giống ai. Bà giận dỗi không thèm nhìn mặt cố. Biết bao lần trăng tròn rồi trăng khuyết, cố Đương một thân lầm lũi vác đá ghép đường nơi heo hút. Thương chồng, thế là bà Pha mang cơm nước lên Đoản Sơn cho cố Đương. Thương vợ đi về vất vả, cố Đương bảo bà Pha ở lại lều cỏ lo liệu cơm nước cho tiện. Vợ chồng cố Đương đoàn tụ. Đường truông mở tới đâu, lều cỏ của vợ chồng cố Đương dời theo đến đó. Một rồi hai, ba năm. Kiên nhẫn suốt 5 năm dài đằng đẵng, vợ chồng cố Đương đã mở được con đường ngắn nhất từ xóm Trại, thôn Yên Thịnh vượt lên Đoản Sơn, một ngọn núi trên dãy Hồng Lĩnh.

Cố Đương ghép đá thành từng bậc lên dốc núi khó đi nhất. Dân sống ở hai bên sườn non, lên núi, xuống núi tiện lợi vô cùng. Từ đó tiều phu có thể lấy được nhiều củi hơn trước. Người dân xóm Trại biết ơn cố Đương, coi vợ chồng cố như cha mẹ tái sinh. Ngày nay, con đường ghép đá vẫn hiện diện ở ngọn Đoản Sơn phía Đông Nam dãy Hồng Lĩnh.

Sách “Nghi Xuân địa chí” của tác giả Lê Văn Diễn biên soạn năm 1842, đời Thiệu Trị có chép: “Núi Đoản Sơn (núi Truông Vắn) ở xã Động Gián. Dưới núi có cái ao thiên nhiên rộng gần 2 mẫu, bốn mùa nước không cạn. Phía Nam núi có đường Truông Vắn thông sang bên kia núi”. Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) đưa chuyện “Sự tích Truông Ghép” vào tác phẩm: “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” do ông sưu tầm và biên soạn. Câu chuyện “Sự tích Truông Ghép” được đưa vào “Truyện đọc lớp 5” (truyện 28), soạn theo “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đổng Chi.

Hầu hết người Việt Nam yêu thích truyện cổ dân gian chắc còn nhớ nhân vật cố Đương, được dân gian hư cấu, huyền thoại hóa từ câu chuyện có thật. Câu chuyện cố Đương còn được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Tĩnh Võ Hồng Huy giới thiệu trong cuốn sách “Non nước Hồng Lam” được nhiều bạn đọc đánh giá cao. Hoạt động vác đá, ghép thành đường vượt núi của Câu đương Ngô Trát, người dân gian gọi cố Đương, cố Ghép là có thật. Câu chuyện được dân gian truyền tụng nhằm giáo dục về ý chí kiên định, không nản lòng, biết tập hợp tài năng, sức mạnh đoàn kết xây dựng con đường vượt núi ngắn nhất sang Can Lộc, nay là Lộc Hà.

Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy trong một lần đi điền dã núi Hồng. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp

Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy trong một lần đi điền dã núi Hồng. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp

Đã hơn 500 năm mà đường Truông Ghép gần như hiện trạng khi hoàn thành. Cố Ghép mất vào ngày 14 tháng 11 âm lịch (không rõ năm mất). Hàng năm vào ngày này, người dân thôn Song Nam, xã Cương Gián làm lễ nghi tưởng nhớ người anh hùng ghép đá, mở đường. Dưới chân ngọn núi Đoản Sơn, đường Truông Ghép, người Song Nam đang bảo tồn phần mộ hợp táng của ông bà cố Ghép ở đồng Nam, còn gọi đồng Trại. Từ xưa, phần mộ được xây bằng chất liệu vôi hàu, người dân gọi là đồng Mả Hàu. Gần đây, lăng mộ của vợ chồng cố Ghép đã được Nhân dân thôn Song Nam, xã Cương Gián tôn tạo, dựng bia tưởng niệm.

------------------------------

(*) Theo Võ Hồng Huy, “Non nước Hồng Lam” - Tập 1, NXB Văn học, 2018.

Đặng Viết Tường

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/truong-van-huyen-su-va-di-tich/235745.htm