Trường vùng khó đón chờ chính sách mới đi vào cuộc sống
Nghị định 66/2025/NĐ-CP (Nghị định 66) được Chính phủ ban hành ngày 12/3/2025, có hiệu lực từ ngày 01/5/2025, thay thế Nghị định 116/2016/NĐ-CP (Nghị định 116), được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quá trình bảo đảm công bằng trong thụ hưởng chính sách giáo dục. Trẻ em vùng cao, vùng sâu, những đối tượng vốn phải chịu nhiều thiệt thòi nay sẽ có thêm cơ hội học tập tốt hơn, được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần. Vậy nên, Nghị định này đang được các trường vùng khó trên địa bàn tỉnh đón đợi, mong ngóng.
Trước đây, theo Nghị định 116, chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn chỉ áp dụng cho học sinh phổ thông với mức hỗ trợ hạn chế: Tiền ăn bằng 40% lương cơ sở/tháng, tiền ở là 10% lương cơ sở/tháng. Nghị định 66 đã có bước cải tiến lớn khi mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức hỗ trợ rõ rệt. Theo đó, ngoài học sinh phổ thông, Nghị định 66 bổ sung thêm các nhóm đối tượng mới như trẻ nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng đến 3 tuổi), học viên giáo dục thường xuyên, học sinh dân tộc nội trú, học sinh dự bị đại học.

Nhóm trẻ 25–36 tháng tuổi Trường Mầm non Kim Thượng trong giờ hoạt động nhận biết hình học.
Cụ thể, học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn 936.000 đồng/tháng và tiền nhà ở 360.000 đồng/tháng trong 9 tháng/năm học. Ngoài ra, có định mức hỗ trợ cho điện, nước, nấu ăn, quản lý và chăm sóc y tế. Đặc biệt, học sinh dân tộc thiểu số học lớp 1 có học tiếng Việt trước khi vào lớp sẽ được hưởng thêm 1 tháng các chính sách hỗ trợ trên.Đáng chú ý, Nghị định 66 đưa trẻ nhà trẻ bán trú vào diện được hỗ trợ giáo dục từ ngân sách nhà nước. Mỗi trẻ sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng tiền ăn trưa, mức này gấp hơn 2 lần so với quy định trước đó tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP. Các cơ sở giáo dục mầm non có nhóm trẻ này còn được hỗ trợ 700.000 đồng/tháng để tổ chức buổi trưa.Từ năm học 2025 - 2026, trẻ em nhà trẻ bán trú còn được hỗ trợ 1.350.000 đồng/năm để mua sắm đồ dùng cá nhân, học liệu và đồ chơi; đồng thời được cấp điện (5kWh) và nước (1m3) mỗi tháng; trường ở vùng thiếu điện nước được phép dùng ngân sách mua thiết bị chiếu sáng và nước sạch,...Chính sách này còn thể hiện rõ tinh thần “phủ sóng toàn diện” khi mở rộng từ bậc nhà trẻ đến phổ thông, giáo dục thường xuyên, dự bị đại học... với các mức hỗ trợ cụ thể, có tính toán đến điều kiện thực tiễn tại các địa phương.Tại huyện Thanh Sơn, một trong những địa phương có nhiều xã vùng cao, vùng khó, tinh thần chờ đón Nghị định 66 đang lan tỏa mạnh mẽ từ các trường học. Dù có hiệu lực từ ngày 1/5/2025, nhưng đến nay, nhiều trường học vẫn đang trong trạng thái “ngóng” hướng dẫn triển khai.

Trường Tiểu học Kim Thượng có 12 học sinh được hỗ trợ từ Nghị định 116.
Tại Trường Mầm non Kim Thượng, cô Hà Thị Khuyên - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Toàn trường hiện có 350 trẻ, trong đó có 49 cháu thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 66. Nếu chính sách được triển khai, mức hỗ trợ tăng lên 360.000 đồng/cháu/tháng sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Điều này rất ý nghĩa, vì từ trước đến nay, phần lớn các gia đình ở đây đều khó khăn”.Cũng theo cô Khuyên, phụ huynh sẽ không phải đóng góp thêm tiền ăn cho trẻ, trong khi nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, cô cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Dù rất mong đợi, nhưng đến thời điểm này, nhà trường vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị định 66”.Tại Trường Tiểu học Thượng Cửu, cô Nguyễn Thị Cẩm Thúy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học sắp kết thúc, trường đã có kế hoạch tổng kết vào cuối tháng 5. Vì vậy, tôi cho rằng thời điểm thực hiện Nghị định 66 từ năm học mới 2025-2026 sẽ hợp lý hơn, tránh bị chồng chéo và đảm bảo công tác chuẩn bị được chu đáo”.

Học sinh bán trú Trường THCS Thượng Cửu.
Có thể nói, Nghị định 66 như một làn gió mới thổi vào các trường vùng khó. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, sự tiếp sức từ chính sách nhân văn này không chỉ góp phần cải thiện điều kiện học tập mà còn là nguồn động viên lớn lao với giáo viên và học sinh, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền học tập bình đẳng cho mọi công dân, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển giáo dục bền vững và toàn diện.