Truy đến cùng sai phạm trong khai thác khoáng sản

Khai thác khoáng sản không đúng quy định thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã trở thành vấn đề nóng, được các đại biểu đặc biệt quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XVII vừa qua. Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan cần có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý dứt điểm vi phạm trong khai thác khoáng sản - mỏ đá gây nhiều hệ lụy đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 91 dự án được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực và 1 dự án đang thực hiện các thủ tục để triển khai. Theo đại biểu Quách Thanh Hải, bên cạnh những đóng góp tích cực, còn rất nhiều hệ lụy từ việc khai thác khoáng sản, tác động xấu tới môi trường và cuộc sống người dân. Nhất là hiện nay, hầu hết các dự án chưa tuân thủ thiết kế khai thác; một số mỏ chưa bảo đảm khoảng cách an toàn đối với những hộ dân sống quanh khu vực; tình trạng nổ mìn vượt quá khối lượng quy định và chưa tuân thủ về an toàn lao động dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động đã xảy ra, thậm chí gây chết người.

Đại biểu Quách Thanh Hải chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh: Trần Tâm

Đại biểu Quách Thanh Hải chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh: Trần Tâm

Trả lời câu hỏi của đại biểu về những giải pháp chấn chỉnh và xử lý các vi phạm nêu trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Trần Tố Chinh cho biết: Công tác quản lý khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng thời gian qua đã được UBND tỉnh quan tâm sát sao. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2001 thành lập Tổ công tác liên ngành do Sở Xây dựng làm tổ trưởng phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, Tổ liên ngành đã phát hiện nhiều vi phạm, đặc biệt là vi phạm về khai thác theo thiết kế, an toàn lao động, bảo đảm môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản.

“Sở và các ngành thành viên Tổ công tác đã tham mưu cho UBND tỉnh có những biện pháp chấn chỉnh trong quá trình khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng. Trong giai đoạn đó, hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm đã chấn chỉnh, theo hướng tổ chức cắt tầng khi khai thác, làm đường lên khai thác. Trong giai đoạn 2018 - 2019, các mỏ khai thác cơ bản đi vào nền nếp, các vụ tai nạn nghiêm trọng trong khai thác khoáng sản đã giảm rõ rệt”, bà Chinh khẳng định.

Tháng 5.2021, UBND tỉnh tiếp tục có quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành giao cho Cục Thuế chủ trì kiểm tra, phối hợp với các cơ quan kiểm tra về việc thu nộp ngân sách đối với các mỏ khai thác khoáng sản. Mới đây, UBND tỉnh có quyết định kiện toàn lại Tổ công tác liên ngành, giao Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các ngành kiểm tra khai thác khoáng sản trên địa bàn. Sở đã xây dựng xong các nội dung, kế hoạch kiểm tra. Dự kiến trong tháng 7, 8, 9, Tổ công tác liên ngành sẽ kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản, các mỏ đá trên địa bàn. “Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhằm giảm tối đa ảnh hưởng, hệ lụy đến đời sống dân sinh, môi trường”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Chưa hài lòng với phần trả lời của đại diện ngành xây dựng, đại biểu Quách Thanh Hải cho rằng, trong việc chấn chỉnh xử lý các vi phạm nêu trên, với cách làm như hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu đã đặt ra. Thậm chí, nguyên nhân sâu xa còn do sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh để giải quyết vấn đề này không triệt để. Do vậy, Sở cần làm rõ những nội dung đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với sai phạm tại mỏ đá Hang Voi (xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy) đang gây bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời, phải rà soát, khẩn trương tạm đình chỉ hoạt động khai thác để khắc phục những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Giải trình thêm vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Trần Tố Chinh cho biết, cuối năm 2021, Sở đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với những sai phạm của mỏ đá này. Đồng thời, Đoàn kiểm tra đã giao cho trung tâm kiểm định của Sở xây dựng lập phương án đánh giá việc nứt nhà cửa trong khu vực, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể. Thời gian tới, Tổ công tác liên ngành sẽ tiếp tục kiểm tra các vi phạm để có nội dung tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả nhất đối với mỏ đá này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh cho biết: Hiện nay, vấn đề khai thác đá, khai thác cắt tầng rất khó quản lý. Sắp tới, Tổ công tác liên ngành phải làm mạnh hơn, nếu không quản lý chặt hơn nữa sẽ bùng nổ như trước. Cùng với đó, ngành giao thông - vận tải phải tăng cường kiểm soát tải trọng, xe chở quá khổ quá tải, cơi nới đóng thùng; phải nghiêm chỉnh trong việc kiểm định, kiểm soát hàng ngày. Đặc biệt, người đứng đầu các địa phương phải chủ động chỉ đạo, xử lý dứt điểm các xe chở đất đá, quá tải trọng gây tai nạn trên địa bàn…

Trước các vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh đề nghị, UBND tỉnh, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu HĐND, ý kiến của cử tri và Nhân dân; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực, tạo bước chuyển biến đối với những vấn đề được chất vấn, thảo luận trong thời gian tới.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/truy-den-cung-sai-pham-trong-khai-thac-khoang-san-i295841/