Truy nguyên nhân giá vé máy bay nội địa tăng cao

Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá vé máy bay nội địa tăng cao, trong đó có việc khan hiếm nguồn cung tàu bay.

Không có hãng bay "thao túng giá vé"

Giá vé máy bay không chỉ có tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào các giai đoạn cao điểm và thấp điểm mà có thể bị tác động bởi cơ chế, chính sách của mỗi quốc gia.

Theo Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam, Thái Lan - quốc gia thường được lấy làm mốc so sánh với giá vé với các hãng hàng không Việt Nam có chính sách riêng để giúp các hãng hàng không nước này có thể bán vé máy bay với mức giá hấp dẫn.

Tình trạng giá vé máy bay cao trở thành chủ đề "nóng" thời gian qua (Ảnh minh họa).

Tình trạng giá vé máy bay cao trở thành chủ đề "nóng" thời gian qua (Ảnh minh họa).

Thái Lan xác định doanh thu từ một khách du lịch theo gói tổng thể với nhiều cấu phần. Họ chấp nhận bán một số cấu phần dưới giá thành, chịu lỗ để thu hút du khách đặt chân đến Thái Lan.

Sau đó, họ thu lời từ các dịch vụ tham quan, lưu trú, mua sắm, ăn uống mà du khách tiêu dùng rồi chia sẻ với nhau doanh thu từ du khách để mỗi khâu đều có lợi ích kinh doanh của mình.

"Nhờ chính sách cá biệt đó, tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng du lịch Thái Lan đều có lợi, không dồn hết gánh nặng vào một nhóm ngành, cũng không xảy ra những tình trạng đổ lỗi khi vắng khách", ông Nam nói.

Tại Việt Nam, Nhà nước quản lý giá vé máy bay bằng công cụ giá trần – giá sàn và các hãng hàng không nội địa khi bán vé luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt khung giá được quy định của Bộ GTVT.

Thực tế vừa qua, ngay khi có phản ánh về việc giá máy bay tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam đã rà soát, kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam và báo cáo Bộ GTVT các hãng hàng không đều bán vé đúng trong khung giá quy định.

Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 13/2024, hiệu lực từ ngày 1/7. Trong đó, thay đổi hình thức định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, có mức giá sàn được bỏ nhưng quy định giá trần vẫn được giữ nguyên.

"Giá vé hiện phổ biến chỉ bằng khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ bằng 43% so với giá quy định", đại diện Vietnam Airlines cho biết. Rõ ràng, giá vé máy bay mà các hãng hàng không nội địa đang mở bán có biến động vẫn luôn nằm trong khuôn khổ, không có chuyện tăng vọt không kiểm soát hay các hãng có thể tự ý "thao túng giá vé".

Xu hướng toàn cầu

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp khẳng định giá vé máy bay cả thế giới đều tăng chứ không chỉ Việt Nam.

"Chưa bao giờ giá vé máy bay từ Việt Nam đi Mỹ lại đắt như hiện nay. Vé hạng thương gia trước đây chỉ 3.000 - 4.000 USD, giờ phải 9.000 - 11.000 USD. Hạng vé phổ thông cũng tăng từ 750 - 900 USD lên từ 1.700 - 2.100 USD tùy từng thời điểm. Vì thế, không có chuyện ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi một mình", ông Kỳ chia sẻ.

Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) của FCM Consulting, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông từ cuối năm 2023 đã tăng 17 – 25% so với năm 2019. Trong đó, giá vé tại khu vực châu Á tăng trung bình 21%, Úc/New Zealand tăng 22%, châu Âu tăng 18%, châu Mỹ tăng 17-25%.

Một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay toàn cầu tăng là do tình trạng khan hiếm máy bay. Gần đây, hàng loạt vấn đề kĩ thuật xảy ra với hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung máy bay và kế hoạch nhận tàu của các hãng bay trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, đội tàu của các hãng bay nội địa đã giảm 50 tàu so với năm 2023, chỉ còn khoảng trên dưới 160 tàu đang khai thác. Phần lớn nguyên nhân là do tàu bị triệu hồi vì lỗi động cơ, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027 mới có thể trở lại hoạt động.

Việc khan hiếm nguồn cung máy bay nói chung khiến giá thuê máy bay trên thế giới tăng vọt. "Vài tháng trước, chúng tôi muốn thuê một tàu bay (thuê ướt) dưới 3.000 USD/giờ, nhưng hiện kiếm một tàu bay với giá 4.000 USD/giờ đã rất khó. Thuê khô còn khó khăn hơn", ông Lương Hoài Nam nói.

Thiếu tàu bay khai thác đồng nghĩa nguồn cung vé giảm, trong khi nhu cầu di chuyển của hành khách vẫn liên tục tăng khiến giá vé máy bay ở Việt Nam và thế giới tăng là quy luật tất yếu.

Tuy vậy, các hãng hàng không nội địa vẫn nỗ lực hết sức tìm cách tăng tải. Vietnam Airlines tăng thời gian khai thác đội tàu bay từ 10 giờ/ngày lên 11 giờ/ngày và tiếp tục tăng lên 12 giờ/ngày trong giai đoạn cao điểm; Vietjet tăng từ 12,8 giờ/ngày lên trên 13,2 giờ/ngày và dự kiến tăng lên 14 giờ/ngày, Viettravel và Bamboo Airways cũng đã thay đổi thời gian khai thác từ 11-12/giờ/ngày lên 12,5 giờ/ngày. Ngoài ra, Bamboo Airways còn dự kiến thuê thêm 1 tàu bay trong giai đoạn cao điểm hè để bổ sung đội bay.

Có thể thấy, các hãng bay đều đang vật lộn với bài toán chi phí nhưng không thiếu đi những nỗ lực nhằm đảm bảo cung ứng giá vé hợp lý cho thị trường. Bởi vậy khi đánh giá về giá vé máy bay, rất cần có thông tin, số liệu chính xác và góc nhìn nhận khách quan để đảm bảo hài hòa quyền lợi của cả người tiêu dùng và các hãng hàng không.

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/truy-nguyen-nhan-gia-ve-may-bay-noi-dia-tang-cao-192240612102634127.htm