Truy tố Chánh án TAND tỉnh Phú Yên

VKSND tỉnh Phú Yên vừa truy tố các bị cáo Lê Văn Phước (cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên); Trương Công Lộc (phụ trách kế toán); Ngô Thị Phương Thảo (kế toán viên); Huỳnh Thị Nhã Nhàn (thủ quỹ) về tội tham ô theo Điều 353 BLHS năm 2015.

TAND tỉnh Phú Yên, nơi xảy ra vụ án tham ô.

TAND tỉnh Phú Yên, nơi xảy ra vụ án tham ô.

Theo cáo trạng, từ 2010 đến tháng 8/2017, ông Phước cùng bốn thuộc cấp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách chiếm đoạt hơn 2,8 tỷ những người này có trách nhiệm quản lý.

Cụ thể, Phước thống nhất trong lãnh đạo TAND tỉnh chủ trương xin hỗ trợ kinh phí ngân sách địa phương, chỉ đạo Lộc soạn thảo nhiều văn bản trình Phước ký xin UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí phục vụ chi công tác tập huấn hội thẩm nhân dân, xử lưu động và một số hoạt động khác.

Sau khi được tỉnh duyệt cấp kinh phí, Phước chỉ đạo Lộc hạch toán cuối năm chứng từ chi những công tác trên bằng nguồn ngân sách Trung ương giao. Còn nguồn kinh phí tỉnh cấp, Phước cùng các thuộc cấp chia nhau sử dụng cá nhân rồi lập khống chứng từ tài liệu quyết toán, chiếm đoạt ngân sách địa phương hơn 700 triệu. Ngoài ra, từ 2011 - 2016, Phước cùng thuộc cấp thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách kế toán chiếm đoạt gần 1 tỷ tiền tạm ứng nguồn vốn ngân sách trung ương.

Chưa hết, còn có trường hợp cán bộ nghỉ hưu từ 2013 nhưng Lộc không thông báo Kho bạc Nhà nước mà lập khống chứng từ rút lương hàng tháng. Từ tháng 6/2013 đến tháng 8/2017, Lộc lập khống 51 chứng từ chi trả lương, ba chứng từ truy lãnh lương, chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ. Mỗi tháng, Lộc trực tiếp rút tiền đưa Phước 6-10 triệu, đưa Thảo 2 triệu.

CQĐT xác định Phước còn chiếm đoạt tiền tiêu vặt khi thanh toán chi phí đi Hàn Quốc, Lộc chiếm đoạt tiền thanh toán may trang phục cho cán bộ mới tuyển dụng… Phước phải chịu trách nhiệm hình sự số tiền chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ; Lộc hơn 2,8 tỷ; Nhàn 1,6 tỷ; Thảo 860 triệu.

Theo cáo trạng, còn có vị Phó Chánh án TAND tỉnh (chủ tài khoản 1 được ủy quyền khi chủ tài khoản đi vắng) đã thiếu kiểm tra, kiểm soát trong ký duyệt chứng từ thanh toán tiền lương, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 222 triệu.

Tuy nhiên, vị này ký duyệt chứng từ khi Phước đi vắng, không tư lợi cá nhân, đã khắc phục hậu quả. Ngày 1/11/2018, TAND Tối cao cho cán bộ trên nghỉ việc. CQĐT cho rằng xét tính chất mức độ sai phạm, không cần xử lý hình sự mà xử lý hành chính là phù hợp.

Minh Hằng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phap-luat/truy-to-chanh-an-tand-tinh-phu-yen-477913.html