Truy vết F1 bằng công nghệ - Trở ngại từ người dân
Bluezone - ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần nhằm tìm ra đường đi của người mang virus. Thế nhưng việc truy vết hiện nay vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại khiến công tác phòng chống dịch Covid-19 bằng công nghệ gặp nhiều hạn chế.
Đêm 6.2, Cẩm Giàng ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm Covid-19. 2 trong 3 trường hợp này có yếu tố dịch tễ vô cùng phức tạp. Ngay lập tức, các lực lượng chức năng phối hợp triển khai truy vết. Một mặt, các lực lượng phối hợp điều tra dịch tễ và triển khai công việc ngoài hiện trường, mặt khác một nhóm gồm 4 cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tập trung nhập dữ liệu người nhiễm bệnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Bluezone toàn quốc. Tuy nhiên, so với thời điểm bùng phát dịch tháng 8.2020 tại Hải Dương, việc truy vết dựa trên công nghệ lần này khó khăn hơn rất nhiều. “Đa phần người dân đã gỡ ứng dụng, không cài đặt hoặc cài đặt ứng dụng nhưng không bật chế độ Bluetooth nên ứng dụng không thể hoạt động”, bà Phạm Thị Minh, Phó Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết. Ngay trong 3 ca mới mắc Covid-19 của Cẩm Giàng, có 1 trường hợp đã gỡ ứng dụng và 2 trường hợp chưa cài đặt ứng dụng này.
Điểm yếu chí mạng này khiến việc truy vết bằng công nghệ trong thời điểm diễn biễn dịch phức tạp hiện nay tỏ ra kém hiệu quả. Một phần nguyên nhân liên quan đến thói quen sử dụng thiết bị di động thông minh của người dân. Dùng thiết bị thông minh nhưng đa phần chỉ phục vụ cho những nhu cầu nghe, gọi, truy cập các trang mạng. Trong khi đó, ứng dụng thiết thực giúp phòng chống dịch như Bluezone thì nhiều người không quan tâm sử dụng. Đối với các ca bệnh mới ở Cẩm Giàng, Sở Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu 1 trường hợp cài lại ứng dụng và tiếp tục nỗ lực truy vết bằng công nghệ.
Trao đổi về tính bảo mật, việc lưu trữ cơ sở dữ liệu của Bluezone, bà Minh cho biết ứng dụng này không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí người dùng. Hơn nữa, mã Bluezone dùng để trao đổi, ghi nhận lịch sử tiếp xúc của người dùng được thay đổi liên tục với tần suất 15 phút/lần để bảo đảm tính ẩn danh và chống giả mạo. Mã Bluezone gốc của người dùng chỉ được lưu trên thiết bị, không sử dụng để trao đổi. Ngoài ra, dữ liệu cá nhân và các dữ liệu phát sinh của hệ thống Bluezone sẽ được lưu trữ, bảo mật bởi các cơ quan của Chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống Covid-19, tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại.
Theo số liệu mới nhất do Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) gửi về Sở Thông tin và Truyền thông, đến 18 giờ ngày 4.2, toàn tỉnh có 481.692 thiết bị cài đặt ứng dụng Bluezone, chiếm 34,45% tổng số thiết bị di động thông minh trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, khó có thể bảo đảm 100% người dùng đã cài đặt bật chế độ Bluetooth để ứng dụng hoạt động.
Để nâng cao số lượng người sử dụng Bluezone (tỷ lệ 60% số dân sử dụng sẽ giúp ứng dụng phát huy hiệu quả), các địa phương cần triển khai đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn từng người cài đặt Bluezone. Ngoài ra, các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, cơ sở công cộng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách ra vào sử dụng Bluezone. Điều quan trọng nhất là bản thân người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, người thân và cộng đồng. Một trong những việc làm cụ thể là cài đặt và bật chế độ Bluetooth để sử dụng ứng dụng Bluezone.
Bluezone có tác dụng lưu lại lịch sử tiếp xúc giữa những người dùng ứng dụng với nhau. Bằng cách sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE) để nhận diện các tiếp xúc gần (dưới 2 m) và trong thời gian đủ lâu (15 phút), Bluezone truy vết chính xác những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm và nghi nhiễm. Nếu xuất hiện F0 (ca bệnh xác định) từ dữ liệu do cơ quan có thẩm quyền nhập vào, hệ thống sẽ gửi đến các điện thoại thông minh trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng lập tức cảnh báo người dùng có nguy cơ lây nhiễm. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).