Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp hữu hiệu chống hàng giả

Các giải pháp truy xuất nguồn gốc được coi là 'chìa khóa' trong công cuộc chống hàng giả, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các giải pháp, công nghệ truy xuất nguồn gốc đang trở thành “vũ khí” không thể thiếu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp và hàng giả, hàng nhái len lỏi khắp các lĩnh vực từ thực phẩm, dược phẩm đến hàng tiêu dùng.

Không chỉ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, công nghệ truy xuất nguồn gốc còn là công cụ quan trọng để nhận diện, ngăn chặn và xử lý tận gốc các hành vi gian lận thương mại, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Để làm rõ hơn vai trò của công nghệ truy xuất nguồn gốc đối với việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ).

Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia. Ảnh: HT

Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia. Ảnh: HT

Minh bạch thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm

Ông có đánh giá gì về vai trò của truy xuất nguồn gốc trong việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái?

Ông Bùi Bá Chính: Hoạt động truy xuất nguồn gốc có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường. Bởi trên thực tế, nếu thực hiện truy xuất nguồn gốc một cách nghiêm túc, các thông tin trong cả chuỗi cung ứng của sản phẩm hàng hóa sẽ được kê khai một cách minh bạch và được công bố trên Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Dựa trên những thông tin được doanh nghiệp kê khai một cách minh bạch, cơ quan quản lý có thể dễ dàng giám sát theo thời gian thực cả chuỗi cung ứng của sản phẩm và dễ dàng phát hiện ra những sai sót và vi phạm của các cơ sở, doanh nghiệp.

Người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin của sản phẩm để tham gia giám sát thị trường, hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước khi có những thông tin phản ánh về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Trong trường hợp xảy ra vấn đề đối với sản phẩm, cơ quan chức năng nếu có trong tay thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa một cách đầy đủ cũng sẽ giúp cho công tác truy xét nhanh hơn, ngăn chặn hiệu quả hơn hành vi vi phạm, giảm thiểu thiệt hại và ảnh hưởng đối với người tiêu dùng và xã hội.

Lấy ví dụ, một doanh nghiệp quảng cáo một sản phẩm A bị người dùng phản ánh có chất lượng không đảm bảo, ghi nhãn không đúng quy định hoặc có nghi ngờ về nguồn gốc, xuất xứ. Khi đó, cơ quan quản lý có thể thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu có trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia để đối chiếu xem sản phẩm A được đơn vị nào sản xuất, nguồn gốc từ đâu. Từ đó tiến hành các bước xác minh tiếp theo.

Thưa ông, việc nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc dựa trên những yêu cầu thực tiễn nào?

Ông Bùi Bá Chính: Việc phát triển các giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất phát từ nhiều yếu tố thực tiễn.

Thứ nhất là tăng trưởng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến. Việc mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến khiến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trở nên khó khăn hơn; môi trường mua sắm trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Thứ hai là nhu cầu về minh bạch và tin cậy của người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất của sản phẩm. Nhu cầu về sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe ngày càng tăng cao.

Thứ ba là cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Các doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu của mình khỏi hàng giả, hàng nhái để duy trì uy tín và lợi nhuận; việc xây dựng lòng tin của khách hàng thông qua các giải pháp truy xuất nguồn gốc là yếu tố cạnh tranh quan trọng.

Thứ tư là quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ. Nhiều quốc gia đã ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là trong các ngành hàng như thực phẩm, dược phẩm; việc sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái bị xử lý nghiêm khắc hơn.

Còn đối với các công nghệ chống giả, công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan, từ doanh nghiệp, người tiêu dùng đến chính phủ. Việc ứng dụng công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn góp phần xây dựng một thị trường trong sạch, phát triển bền vững.

Thưa ông, hiện nay hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã số mã vạch tại Việt Nam đang được triển khai như thế nào?

Ông Bùi Bá Chính: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100), các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ đã tham mưu, xây dựng các văn bản pháp quy để quy định các hoạt động về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Song song với đó là việc xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia (vận hành từ tháng 10/2024) hay các ứng dụng phục vụ cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiện nay, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia đang tiến hành kết nối với trên 20 tỉnh, thành, địa phương và một số bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Một số bộ, ngành khác như Bộ Công Thương, Bộ Y tế cũng đang có những hoạt động phối hợp để đảm bảo kết nối các thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành các chuỗi cung ứng và các cơ sở dữ liệu minh bạch, đầy đủ, phục vụ nhu cầu truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng.

Xin ông cho biết thêm vềnhững giải pháp hoặc công nghệ mới đang được phát triển để tăng cường hiệu quả truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và hàng tiêu dùng?

Ông Bùi Bá Chính: Với tư cách là đơn vị tham mưu về mặt chuyên môn cho các hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông dụng khác, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đang phát triển ứng dụng truy xuất nguồn gốc NBC-Trace và một ứng dụng xác thực các thông tin được kê khai gọi là Verify.

Trong đó, ứng dụng Verify sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể xác thực các thông tin được kê khai khi đăng ký mã số. Việc sử dụng ứng dụng này cũng sẽ là một bước chuyển tiếp để doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa các thông tin sản phẩm, hàng hóa được kê khai trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cũng đang tư vấn, hướng dẫn cho trên 10 đơn vị cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc để chuẩn hóa ứng dụng về truy xuất nguồn gốc cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng quốc gia được thuận lợi.

Với những hoạt động đã triển khai, trong tương lai, chúng tôi hy vọng, nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể dễ dàng kết nối, chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa đi các thị trường quốc tế khác. Khi những thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của chúng ta minh bạch, các thị trường nước ngoài chắc chắn cũng sẽ dễ dàng đón nhận hàng hóa của chúng ta hơn.

Các công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ảnh minh họa

Các công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ảnh minh họa

Cần sự chung tay của doanh nghiệp, người tiêu dùng

Ông đánh giá ra sao về mức độ phối hợp giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và người tiêu dùng trong việc triển khai các hoạt động truy xuất nguồn gốc?

Ông Bùi Bá Chính: Để xây dựng thành công một hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa toàn diện, không thể chỉ trông chờ vào một phía. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của cả ba trụ cột: Cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và chính người tiêu dùng.

Hiện nay, nền tảng dữ liệu về truy xuất nguồn gốc đang từng bước được hình thành và phát triển. Với hơn 1,6 triệu loại sản phẩm hàng hóa đã được kê khai trong hệ thống cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia, khối lượng thông tin cần tích lũy là vô cùng lớn. Mỗi sản phẩm không chỉ cần mã số mã vạch mà còn cần có hồ sơ minh bạch, đầy đủ thông tin từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối. Việc xây dựng đầy đủ hồ sơ cho từng sản phẩm như vậy chắc chắn không thể hoàn tất trong một sớm một chiều.

Cơ quan quản lý mong muốn có được một hệ thống dữ liệu đủ đầy, đáng tin cậy để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát và hoạch định chính sách. Doanh nghiệp cần một công cụ chứng minh sự nghiêm túc, minh bạch và chất lượng trong sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm mình sử dụng và họ cần thông tin chính xác, rõ ràng, dễ tiếp cận và được xác thực.

Chính từ những nhu cầu tưởng chừng khác biệt đó, một điểm chung được hình thành. Đó là việc tất cả đều hướng đến sự minh bạch và niềm tin. Điều quan trọng là ba chủ thể này cần phối hợp đồng bộ để thúc đẩy quá trình hoàn thiện dữ liệu và lan tỏa văn hóa truy xuất nguồn gốc trong toàn xã hội.

Nhà nước có vai trò “dẫn dắt”, cần chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình quản lý truyền thống sang mô hình quản lý trên nền tảng số. Hệ thống pháp lý, hạ tầng công nghệ và chính sách hỗ trợ cần được xây dựng phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia hiệu quả.

Về phía doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc không chỉ là tuân thủ quy định mà còn là cơ hội để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Doanh nghiệp càng kê khai thông tin trung thực, chi tiết và đầy đủ, càng dễ chiếm được lòng tin của khách hàng, đặc biệt là trong môi trường số nơi sự minh bạch là yếu tố sống còn.

Người tiêu dùng đóng vai trò cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng. Bằng cách ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có thông tin truy xuất đầy đủ, người tiêu dùng chính là lực đẩy giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy và thúc đẩy quá trình kê khai dữ liệu một cách nghiêm túc. Càng nhiều người sử dụng thông tin, hệ thống càng có giá trị. Càng nhiều sản phẩm có thông tin truy xuất, niềm tin thị trường càng được củng cố.

Sự phối hợp ba chiều giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp hệ thống truy xuất nguồn gốc trở thành nền tảng dữ liệu sống động, liên tục được cập nhật và ngày càng chính xác. Đây không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất và thương mại.

Xin cảm ơn ông!

Theo các chuyên gia, hàng giả, hàng nhái đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Do đó, việc chọn lựa giải pháp truy xuất nguồn gốc nhằm chống hàng giả, hàng nhái một cách có hiệu quả là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truy-xuat-nguon-goc-giai-phap-huu-hieu-chong-hang-gia-388671.html