Bản năng và bản lĩnh trong phòng, chống suy thoái - Bài 1: Vết trượt từ lòng tham và bài học về tính chiến đấu

Cùng với nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... trong hệ thống chính trị được Đảng ta tiếp tục triển khai rất mạnh mẽ, quyết liệt. Khi ánh sáng công lý rọi sâu vào chức trách công vụ, đã làm lộ chân tướng của không ít đối tượng suy thoái, trong đó có một số nhân vật từng được kỳ vọng là 'hạt giống đỏ' của hệ thống chính trị...

Khi “hạt giống đỏ” suy thoái...

Những ngày gần đây, dư luận tại TP Hồ Chí Minh xôn xao trước việc một cán bộ từng được coi là “hạt giống đỏ” bị vướng vòng lao lý. Người được nhắc đến là ông Huỳnh Nguyễn Lộc, sinh năm 1981, cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo căn bản về ngành y, từng là một cán bộ đoàn được đánh giá có năng lực...

Huỳnh Nguyễn Lộc thăng tiến rất nhanh. Năm 2014, khi mới 33 tuổi, Lộc đã được bổ nhiệm Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh và chỉ một năm sau đã được đề bạt giữ chức Viện trưởng, trở thành một trong những cán bộ trẻ nhất đứng đầu một cơ quan khoa học danh giá. Có năng lực chuyên môn và giỏi về “kỹ năng mềm”, mỗi lần xuất hiện trước công chúng và truyền thông, Huỳnh Nguyễn Lộc luôn chứng tỏ bản thân là “hình mẫu” của cán bộ trẻ dồi dào năng lượng sáng tạo và tâm huyết. Sự nghiệp đang lên như diều gặp gió thì cuối năm 2024, Huỳnh Nguyễn Lộc bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ.

Mới đây, kết luận của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khiến nhiều người ngạc nhiên, bất ngờ, bày tỏ thái độ xót xa, tiếc nuối. Huỳnh Nguyễn Lộc đã nhận hối lộ một cách liên tục, có hệ thống với hàng chục lần, tổng số tiền lên đến hơn 47 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm để cho doanh nghiệp này trúng thầu, cung cấp dược liệu và thuốc chữa bệnh cho Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh. Cùng với Huỳnh Nguyễn Lộc còn có hàng chục bị can khác tại một số cơ quan, đơn vị ngành y bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố với tội danh tương tự.

Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm buôn bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Ảnh minh họa: thanhnien.com.vn

Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm buôn bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Ảnh minh họa: thanhnien.com.vn

Trong bối cảnh thông tin về những vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả với số lượng lên đến hàng trăm tấn khiến người dân hoang mang, lo lắng, việc những cán bộ trẻ như Huỳnh Nguyễn Lộc nhận hối lộ để cho doanh nghiệp thao túng, đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... càng làm cho cơn phẫn nộ của dư luận tăng cao.

Huỳnh Nguyễn Lộc là dẫn chứng điển hình nhưng không phải duy nhất về sự tha hóa, suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ trẻ, đảm nhiệm cương vị người đứng đầu trong đơn vị của hệ thống chính trị. Chỉ tính riêng lĩnh vực ngành y và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian gần đây đã có nhiều người đứng đầu các đơn vị từ Trung ương đến địa phương bị pháp luật xử lý về tội nhận hối lộ, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, nạn thuốc giả, thực phẩm bẩn... hoành hành.

Trước vấn nạn này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm với phương châm xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Hậu quả của các hành vi suy thoái này đối với hệ thống chính trị và đời sống xã hội là vô cùng nặng nề. Bên cạnh việc gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội... những hành vi này còn gây tổn hại nghiêm trọng niềm tin của nhân dân; lộ ra những khoảng trống đáng báo động về trách nhiệm quản lý, ý chí đấu tranh của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Trong một cuộc họp của Chính phủ gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, hành vi buôn lậu, hàng giả với số lượng hàng trăm tấn mà cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng không biết thì chỉ có hai việc, một là không còn ý chí chiến đấu, hai là cán bộ bị mua chuộc. Cả hai tội này phải xử ngay...

Mầm mống tội ác và vũ khí đấu tranh

Vấn nạn thuốc giả, thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái... tiếp tục là chủ đề “nóng” trong các phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội trong những phiên họp gần đây. Hành vi buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ, đưa-nhận hối lộ, bao che, tiếp tay cho thuốc giả, thực phẩm bẩn đầu độc đời sống xã hội chính là tội ác. Thậm chí, có đại biểu đã ví loại tội phạm này tương đương với hành vi giết người hàng loạt, cần phải nghiêm trị trước pháp luật.

Lý giải về nguyên nhân biến một số cán bộ từ “hạt giống đỏ” trở thành tội phạm, giới chuyên gia tội phạm học cho rằng, tất cả đều bắt nguồn từ lòng tham. Khi nhân cách và ý chí của cán bộ, đảng viên bị đồng tiền chi phối, lòng tham dẫn dắt thì bản lĩnh sẽ gục ngã trước bản năng, đối tượng sẽ dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích cá nhân. Dưới góc nhìn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống suy thoái, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ: Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân...

Nhìn cận cảnh một số vụ việc, vụ án nổi cộm về tham nhũng, tiêu cực gần đây, chúng ta thấy, hành vi suy thoái diễn biến theo quy luật từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao. Ban đầu, hành vi nhận hối lộ chỉ ở dạng “cảm ơn”, “quà biếu”, “phần trăm”, “lại quả”... ở phạm vi cá nhân. Dần dần, vòng xoáy của đồng tiền và chủ nghĩa cá nhân đã làm mờ mắt đối tượng. Họ lôi kéo cả vợ con, gia đình, người thân, đồng chí, đồng nghiệp... vào cuộc. Và cuối cùng, không ít cán bộ, cơ quan quản lý lại biến thành tay sai cho các đối tượng, đường dây tội phạm, gây hậu quả nặng nề, hệ lụy khôn lường đối với đời sống xã hội.

Khi cán bộ, nhất là người đứng đầu trượt dài vào con đường suy thoái, rất cần sự đấu tranh, thức tỉnh từ tập thể. Đó là vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phê bình, tự phê bình. Nếu ở đâu tinh thần phê bình, ý chí chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng được phát huy, chắc chắn ở đó sẽ ngăn ngừa có hiệu quả hành vi tiêu cực, sự suy thoái của cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, ở những tổ chức đảng, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thứ vũ khí quan trọng này không phát huy tác dụng hoặc đã bị cá nhân vô hiệu hóa; vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII khẳng định: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu.

Mọi vết trượt, mọi hành vi suy thoái đều có căn nguyên, vạch xuất phát. Duy trì liên tục tính chiến đấu trong cấp ủy, tổ chức đảng chính là giải pháp đấu tranh phòng, chống suy thoái từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát. Bài học về nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng sinh hoạt phê bình, tự phê bình trong Đảng là vấn đề căn cốt, luôn luôn nóng hổi tính thời sự.

(còn nữa)

THANH KIM TÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/ban-nang-va-ban-linh-trong-phong-chong-suy-thoai-bai-1-vet-truot-tu-long-tham-va-bai-hoc-ve-tinh-chien-dau-829365