Truy xuất nguồn gốc góp phần giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Việc kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc thực phẩm có thể nâng cao hiệu quả quản lý, hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có nhiều chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm, xử lý thông tin liên quan đến các vụ ngộ độc.
Tại Hà Nội, báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đã kiểm tra 215 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 182 cơ sở (chiếm tỷ lệ 84,7%). Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên.
Qua kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đánh giá, đa số các trường đều chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Dù vậy, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
Ngoài ra các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.
Mặt khác, do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ. Hầu hết đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.
Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp.
Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người… Trong đó, cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.
Đại diện một siêu thị tư nhân trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, hiệu quả lớn nhất của việc truy xuất nguồn gốc là giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Đồng thời, truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng chỉ thông qua một thao tác quét mã đơn giản. Nhất là đối với những nhóm hàng hóa nhập vào siêu thị, việc truy xuất nguồn gốc hỗ trợ đơn vị hữu hiệu trong việc quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Ổn định nguồn cung thực phẩm
Diễn biến liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền mới đây đã ký ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch nêu rõ quan điểm bảo đảm an ninh, chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì ổn định nguồn cung thực phẩm nông sản có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thuộc thành phố, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.
Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn quốc gia và quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Cùng với đó, huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản.
Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện, tham mưu HĐND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi nhân dân. Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
An toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), theo lộ trình từ nay đến 2025, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ được kiện toàn, xây dựng lại theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối nhằm tăng hiệu quả quản lý.
Theo đó, quán triệt triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và hướng dẫn số 82 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17, thời gian tới sẽ xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy này. Bộ Y tế sẽ cùng với các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.
Theo đó, ở mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành (TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh).
Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025. Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi, việc này Bộ Nội vụ sẽ đề xuất. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.
Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khá là tăng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi hỗ trợ về kinh phí cũng như kỹ thuật cho công tác an toàn thực phẩm.
Hoàn thiện thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế như kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết, trước hết và phù hợp với thông lệ quốc tế.