Truy xuất nguồn gốc sầu riêng: Có thể áp dụng công nghệ của Thái Lan?
Khi người nông dân minh bạch quá trình canh tác, người mua hàng yên tâm về tuổi sầu riêng
Thông tin cho biết Thái Lan đã sử dụng công nghệ của Tencent, theo đó, trên mỗi trái sầu riêng sẽ được gắn mã QR vô hình để người tiêu dùng xác thực nguồn gốc từ Thái Lan.
Nên chăng ngành hàng sầu riêng Việt Nam cũng nên áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng, thương hiệu, uy tín sầu riêng Việt Nam không chỉ trên thị trường Trung Quốc mà các thị trường xuất khẩu khác? Báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam về vấn đề này.
Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, sầu riêng của Việt Nam đã khẳng định được chất lượng tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc sử dụng mã số trái phép, không đúng quy định và không tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu đã gây ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu; ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng sầu riêng.
Việc nhiều cơ sở đóng gói không mua sản phẩm từ vùng trồng đã được cấp mã số, không mua sản phẩm từ vùng trồng liên kết đã được cấp mã số vẫn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến việc truy xuất nguồn gốc khi lô hàng gặp vấn đề. Đáng lo ngại, các thông báo vi phạm vẫn không ngừng tăng
Quy trình canh tác chưa chuẩn nên “thất bại” áp dụng công nghệ
Phóng viên: Thưa ông, sầu riêng Việt Nam đã được cấp mã số vùng trồng nhưng vẫn vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng hàng xuất khẩu,...Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
+Ông Nguyễn Văn Mười: Mã số vùng trồng có quy định người nông dân phải ghi chép quá trình sản xuất, thông tin về diện tích, sản lượng sầu riêng/diện tích bao nhiêu...
Hiện nay sầu riêng Việt Nam được cấp 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói. Điều này cho thấy, so với diện tích sản xuất hiện có thì số lượng mã số được cấp là hết sức khiêm tốn.
Việc quản lý sản xuất đối với những diện tích chưa được cấp mã số vùng trồng là hết sức khó khăn vì không biết nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.
Khi nào chúng ta có những quy định pháp luật đủ mạnh, quản lý chặt chẽ, người sản xuất muốn khẳng định thương hiệu của mình hoặc doanh nghiệp thu mua yêu cầu người sản xuất phải minh bạch quá trình canh tác thì việc truy xuất nguồn gốc mới phát huy hiệu quả.
.Thái Lan đang áp dụng công nghệ truy xuất QR code vô hình trên mỗi trái sầu riêng, liệu chúng ta có thể làm tương tự để khẳng định thương hiệu sầu riêng Việt Nam?
+ Nhiều nước áp dụng mã QR code và một số ít trang trại của Việt Nam đã thực hiện tốt.
Hiện nay truy xuất nguồn gốc có hai hình thức. Một là truy xuất thông tin, chỉ cần điện thoại thông minh quét mã QR Code là người tiêu dùng dễ dàng biết thông tin về sản phẩm. Đây là hình thức không đảm bảo vì không chứng minh được quá trình sản xuất.
Thứ hai là truy xuất nguồn gốc quá trình canh tác thông qua nhật ký sản xuất bằng nhật ký điện tử. Nghĩa là người sản xuất phải ghi chép lại cả quá trình sản xuất như thời gian tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly…
Hơn 5 năm qua qua, hội cũng tập huấn, hỗ trợ phần mềm miễn phí cho người sản xuất thực hiện việc truy xuất quá trình canh tác nhưng chưa hiệu quả.
.Lý do vì sao, thưa ông?
+Một trong những khó khăn là người nông dân không thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất. Sau khi tập huấn hướng dẫn xong, cấp tài khoản nhưng rất ít người làm.
Có hai nguyên nhân, một là người nông dân không muốn làm do quy trình canh tác chưa chuẩn; hai là người thu mua, thương lái không muốn người nông dân làm vì sợ lộ thông tin nơi cung cấp sản phẩm cho họ.
Còn tình trạng người trồng ép người mua mua sầu riêng không đủ tuổi
.Thưa ông, hiện nay tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam và Thái Lan có đang nhập nhèm?
+ Thực ra khi làm thủ tục xuất nhập khẩu là cơ quan chức năng biết nguồn gốc sầu riêng từ quốc gia nào nhập khẩu, bán vào.
Tuy nhiên, để mỗi quả sầu riêng khi đến tay người tiêu dùng Trung Quốc có mã QR code truy xuất quá trình canh tác thì mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng thương hiệu riêng.
.Ngành sầu riêng Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng nhưng năm qua nhiều doanh nghiệp lỗ do tình trạng tranh mua tranh bán, mua phải sầu riêng non…Ông bình luận gì về hiện tượng này?
+ Khi người nông dân minh bạch quá trình canh tác từng loại sầu riêng như Ri6, Dona từ ngày cây ra hoa, xả nụ đến ngày thu hoạch trên hệ thống truy xuất nguồn gốc, thì người mua hàng yên tâm về tuổi sầu riêng đảm bảo.
Tuy nhiên, năm qua xảy tình trạng tranh mua tranh bán do trái vụ, sản lượng sầu riêng ít, nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Đáng lo ngại là việc thu hoạch sầu riêng non bán là vấn đề rủi ro lớn cho doanh nghiệp, do đó vai trò nhà nước cần tham gia trong vấn đề này.
Cần sớm có quy định cho ngành sầu riêng
.Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn ban hành Quyết định về quy trình kỹ thuật việc cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng, ông đánh giá sao về quyết định này?
+ Việc ban hành quyết định trên theo hướng khuyến cáo về kỹ thuật. Thực tế hiện nay chúng ta không có quy định nào về chế tài, xử phạt người sản xuất sầu riêng vi phạm gian lận thương mại hay chất lượng.
Điển hình vừa rồi tại Tiền Giang có công ty đã ký hợp đồng với nông dân, đến ngày thu hoạch phát hiện sầu riêng chưa đủ tuổi để hái và đề nghị người dân cho thêm thời gian, chờ sầu riêng đủ tuổi mới thu hoạch nhưng bên bán không đồng ý. Cuối cùng doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục pháp lý để chính quyền địa phương can thiệp.
Qua đó, cho thấy ý thức của một số người sản xuất chưa tốt, thể hiện qua việc bán hàng không đảm bảo chất lượng mà ép người mua phải lấy. Đây là thực tế thời gian qua doanh nghiệp gặp nhiều.
.Vì sao những rủi ro trong vi phạm an toàn thực phẩm, gian lận thương mại vẫn tái diễn thưa ông?
+ Đây là thực tế trong ngành nông nghiệp nói chung chứ không chỉ sầu riêng bởi lợi ích được nhiều hơn nên họ chấp nhận vi phạm.
Hơn nữa, khi ý thức người sản xuất chưa tự giác, chúng ta chưa có giải pháp căn cơ thì tình trạng tranh mua tranh bán, thu hoạch sầu riêng non để bán tiếp tục xảy ra là không thể tránh khỏi. Vì vậy Nhà nước cần sớm có quy định, chế tài đủ mạnh để người nông dân không vi phạm.
Vấn đề này Thái Lan làm rất tốt. Người trồng sầu riêng Thái Lan chấp hành tốt vì quốc gia này đưa vào Luật, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng thậm chí bị phạt tù nên không ai dám. Ngành sầu riêng Thái Lan cũng đã có sự chuẩn hóa về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến...Tất cả đi vào khuôn khổ.
Xin cảm ơn ông!
Sầu riêng Việt Nam không còn một mình một chợ
.Vừa rồi 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị phía TRung Quốc cảnh báo, điều này có đáng lo không?
+Ông Nguyễn Văn Mười: Sầu riêng là ngành hàng tiềm năng, phát triển tốt. Những tháng đầu năm 2024 sầu riêng Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý không quan tâm xử lý kịp thời, để xảy ra các vi phạm về chất lượng sẽ ảnh hưởng đến thị phần, uy tín thương hiệu quốc tế là tổn thất lớn.
Tại thị trường Trung Quốc không chỉ có sầu Việt Nam mà nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines… Kể cả Lào hiện đã trồng nhiều sầu riêng và về lâu dài chúng ta không một mình một chợ.
Người trồng sầu riêng Việt Nam phải có ý thức tự giác để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và tiếp tục mở rộng thị trường, không nên xem thắng lợi trước mắt từ những lợi thế có được mà quên đi nâng cao chất lượng để cạnh tranh và phát triển bền vững.
TÚ UYÊN