Truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Nhằm truy xuất nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, cơ quan quản lý đặc biệt chú trọng yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa phải có tem nhãn và công bố nguồn gốc.
Bảo đảm chất lượng
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, toàn huyện có 1.925 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, ngành Công Thương quản lý 500 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 727 cơ sở và ngành Y tế quản lý 698 cơ sở. Để quản lý an toàn thực phẩm từ gốc, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; yêu cầu 100% cơ sở phải ký cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đối với những cơ sở khi kiểm tra mà phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Nông nghiệp đã thẩm định, xếp loại 125 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả, có 1 cơ sở xếp loại A, 116 cơ sở xếp loại B, 5 cơ sở xếp loại C, 3 cơ sở không đánh giá. Ngành cũng đã cấp 116 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản là nhằm nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng. Hoạt động này cũng giúp kịp thời phát hiện những vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh như thiếu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất tại khu chế biến chưa bảo đảm... Những cơ sở xếp loại A, B đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm cần tiếp tục tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Quá trình mở rộng sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm.
Là đơn vị trực tiếp tham gia kinh doanh, bà Lê Thị Hoài Thu, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Hai Sương (quận Hà Đông) cho hay, cửa hàng của bà được đánh giá, xếp loại B nên người tiêu dùng yên tâm về chất lượng hàng hóa cũng như nguồn gốc nông sản. Trung bình mỗi tháng, cửa hàng tiêu thụ một lượng lớn nông sản, thực phẩm ra thị trường.
Nâng cao ý thức cho các chủ cơ sở
Mặc dù số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội rất lớn nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa áp dụng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Lực lượng làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp tại tuyến quận, huyện, xã, phường thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm hoạt động đi vào nền nếp, trong thời gian tới, huyện yêu cầu các chủ cơ sở chấp hành nghiêm các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất; sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm an toàn; sản phẩm sản xuất ra phải có nhãn mác đầy đủ, ghi rõ thông tin... Đồng thời, cần thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gắn với cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Các xã, thị trấn cần tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện thu hồi và xử lý theo quy định đối với sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ sở kinh doanh phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện bảo đảm về an toàn thực phẩm theo quy định; không kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị...
Để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cũng như kiểm soát chất lượng nông sản bán trên thị trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, cần có nội dung quy định các tổ chức chứng nhận phải công bố, định kỳ theo tháng gửi danh sách các cơ sở được cấp giấy chứng nhận "thực hành sản xuất tốt" - GMP (Good Manufacturing Practices - tiếng Anh) còn hiệu lực đến cơ quan quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành của địa phương. Đây là cơ sở thông tin để cơ quan chức năng ở các địa phương quản lý, kiểm tra, lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm với những cơ sở này.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách, pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo môi trường thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, bền vững. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn để kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-638994.html